Nên chuyên nghiệp hóa tư vấn học đường

(VOH) - Tại hội thảo Công tác tư vấn học đường tại các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM, các đại biểu đều thống nhất về tầm quan trọng của tư vấn học đường trong hướng nghiệp, định hướng học tập và phát triển con người.

Tư vấn mà học sinh không tin

Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động tư vấn học đường còn bị xem nhẹ. Các trường vẫn không thoát ra khỏi ảnh hưởng của xã hội, coi nhẹ giáo dục con người mà chỉ tập trung vào đối phó thi cử.

Vì vậy dù trên 95% trường trên địa bàn thành phố có tư vấn học đường nhưng chỉ 8% các trường có phòng tư vấn, 3% có nhân viên chuyên trách, còn lại phần lớn là kiêm nhiệm. Quan trọng hơn là hoạt động này chưa tạo sự tin cậy nơi học sinh.

Tiến sĩ Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT đề nghị: "Phải thống nhất về quan điểm, tầm quan trọng của hoạt động về tâm lý học đường. Nghiên cứu con người là một vấn đề khoa học phải được tổ chức bài bản ổn định để ngày càng nâng chất lượng".

TS Huỳnh Công Minh, Nguyên GĐ Sở GD&ĐT phát biểu tại hội thảo

Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hà, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhận định, hoạt động này rất cần thiết cho độ tuổi từ 12 đến 18 - thời điểm quan trọng các em thay đổi tâm sinh lý để chuyển từ trẻ em sang người lớn, nhất là giai đoạn THCS. Theo ghi nhận, 90% trường hợp trẻ vị thành niên phạm tội ở một trường giáo dưỡng đã bỏ học từ bậc THCS.

Chuyên nghiệp hoạt động tư vấn học đường

Nhiều đại biểu cho rằng nên chuyên nghiệp hoá bằng nhiều hình thức: quy định biên chế cụ thể, hạn chế kiêm nhiệm, thiết lập hệ thống tổng đài tư vấn miễn phí cho học sinh, xây dựng trang web chuyên về hướng nghiệp...

Bà Bùi Thị xuân Mai-giảng viên trường ĐH Lao động xã hội, cơ sở 2 đặt vấn đề: "Chúng ta huy động được kinh phí cho các hoạt động khác mà tại sao vấn đề về sức khoẻ tâm thần lại không có một phòng chuyên tư vấn như phòng y tế ? Chúng ta có thể huy động Nhà nước và nhân dân cùng làm để chi trả cho đội ngũ chuyên nghiệp"

Theo một số đại biểu, cần đưa ra khung nội dung, tiêu chí công việc cụ thể, xây dựng mối liên kết giữa những người cùng làm tư vấn, để chia sẻ kiến thức kinh nghiệm thực tiễn. Điều này, đối với nhiều môn học khác đã thực hiện từ lâu nhưng với tư vấn học đường giáo viên chủ yếu vẫn là tự thân vận động.

Người làm tham vấn tâm lý cần thay đổi quan niệm chờ đợi học sinh đến gặp mình mà cần chủ động tiếp cận, giúp các em phòng ngừa tình huống xấu qua các hoạt động chuyên đề cần thiết.

Ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng công tác Học sinh Sinh viên, Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, Bộ GD& ĐT đang hoàn tất đề án Phát triển nghề công tác xã hội trong trường học giai đoạn 2016-2020, trong đó yêu cầu ít nhất 50% trường tại các tỉnh, thành phố lớn phải bố trí nhân viên công tác xã hội.

Đối với giáo viên tư vấn học đường, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường vẫn đảm bảo các quyền lợi, chế độ cho lực lượng đội ngũ này. Đối với các trường có điều kiện nên triển khai ký hợp động với nhân viên, giáo viên tư vấn tâm lý để tiếp tục công tác tham vấn tâm lý trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Minh khẳng định: "Phải tạo điều kiện cho lực lượng giáo viên tư vấn tâm lý tiếp cận để thực hiện nhiệm vụ. Một số trường đã xây dựng hẳn quy trình phối hợp giáo dục học sinh chưa ngoan, từ giáo viên tư vấn tâm lý qua giám thị, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đến ban giám hiệu và cuối cùng là phụ huynh".