Ngược đời: Phụ huynh “nhói lòng” vì con được… học sinh xuất sắc

(VOH) - Tâm sự con được học sinh xuất sắc - của facebooker Huy Anh gây sốt mạng xã hội và nhận được hơn 20.000 lượt chia sẻ.

Ước chi con học… trung bình

Không phải là chia sẻ gì quá giật gân nhưng câu chuyện về kết quả học tập “xuất sắc” của con bạn Huy Anh lại gãi trúng chỗ ngứa của nhiều phụ huynh hiện nay. Nhiều người chia sẻ status dài ngoằng này có lẽ do sâu thẳm trong lòng cũng có “lăn tăn” tương tự.

“Lớp sĩ số 38 đứa thì hết 36 đứa giỏi toàn diện rồi, chỉ có 2 khá. Mà trong trường từ khối 6 đến khối 9, mấy chục lớp, lớp nào cũng vậy mới ghê! Có gì đâu tự hào.

Trong khi thời anh em mình cách đây 2 mấy năm, kiếm được trong lớp 2-3 đứa giỏi, 2-3 đứa khá đã là siêu lắm rồi!” - Huy Anh kể.

Vị phụ huynh trong status ngậm ngùi: "T. không biết bây giờ có nên tự hào vì mình nghèo mà con cái học giỏi nữa không! Bởi vì đầy người học giỏi mà ra đời vẫn nghèo như thường. Không phủ nhận rằng trong 36 học sinh giỏi ấy có nhiều đứa là học giỏi thật.

Nhưng anh thấy ngày nay bệnh thành tích nó len lỏi từ xã hội vào nhà trường! Lớp nào, trường nào cũng đua có nhiều học sinh giỏi!

Nhưng nhìn đứa nào cũng ngơ ngơ, người thì quắp lại vì đi học rồi học thêm cả ngày, chả có thời gian đâu mà thể thao, chạy nhảy tắm sông như anh em mình ngày xưa. Học giỏi mà hỏi cái gì cũng không biết, không trả lời ngay được!”.

Trái với việc nhiều vị phụ huynh thích khoe kết quả học tập của con trên facebook, không ít người lại tỏ ra lo lắng vì kết quả "ảo" so với học lực thực sự của trẻ (Ảnh minh hoạ: chụp từ facebook)

Thành viên Tran Tuyet Minh bình luận: “Trong lớp con mình 14 bạn, có 12 bạn 9,10 điểm, 1 bạn 8,9. Con mình 7,8 ... Cô nói, ráng kêu con học để năm sau được 9,10… Trùi ui, 7,8 lên lớp là mừng rồi cô… Khá hơn năm ngoái lớp 1 có 6,7 điểm”…

“Minh lấy làm hãnh diện khi con mình không được giỏi như bao đứa trẻ khác nhưng rất vui vì đó là kết quả thực tế. Cháu chỉ ở mức học sinh khá thôi… Với lại mình hay dạy con học nên mình biết con đang ở đâu” - Thanhtam Huynh nhận xét.

Một ông bố khác ở Quận 2, TPHCM thở dài: “Con mình học lớp 1, không đi học thêm nên hơi chậm. Bình thường hỏi con mấy phép cộng trừ, vẫn phải giơ tay, giơ chân lên đếm ngón mới tính được.

Tiếng Anh con chỉ biết lõm bõm vài từ, hỏi câu đơn giản không biết trả lời. Thế mà thi kỳ 2 cũng vẫn được ba điểm 10. Trẻ con thì vui chứ bố cứ thấy lo”.

Chuyện học sinh đạt kết quả xuất sắc “hàng loạt” từ lâu đã gây nhiều tranh cãi vì được coi là "bệnh nan y" của ngành giáo dục. Điều đáng nói là vấn đề này chưa bao giờ được giải quyết triệt để và thành tích “xuất sắc ảo” khiến nhiều phụ huynh hoang mang.

Hệ lụy của học lực ảo?

Hệ luỵ “xuất sắc ảo" hàng loạt khiến chính giáo viên các cấp học cao hơn phát “oải” vì phải rèn, giũa lại học sinh từng chút.

Một giáo viên (giấu tên) trường THCS tại quận Tân Phú chia sẻ: “Kết quả học tập học sinh cấp 1 tốt nhưng lên tới lớp 6 là tụi em phải “hứng” hết. Có nhiều em chẳng biết cộng trừ, đọc chữ không nổi.

Cô giáo phải rèn lại nhưng đỡ cái là dù học sinh có ở lại lớp hay thi lại, giáo viên không bị trừ thi đua. Giáo viên chỉ “bị” tính điểm thi đua trên kết quả thi thôi”.

Chuyên gia tâm lý Bích Phượng đánh giá: “Việc có nhiều học sinh giỏi, xuất sắc là do cách đánh giá trong giáo dục đã thay đổi so với trước. Kết quả học tập chỉ dựa trên điểm thi cuối kỳ nên việc học của các bé nhẹ nhàng hơn”.

Ngoài ra, do cách giáo dục trải qua một thời gian quá dài, đa phần dạy lý thuyết, ít thực hành nên các bé chỉ học theo kiến thức được dạy, được điểm cao, dẫn đến hàng loạt bé giỏi, xuất sắc là không lạ.

Bà Phượng cho hay: “Trong đầu trẻ vốn không nặng thành tích đến vậy nhất là tiểu học. Nhưng việc phụ huynh lo lắng về thành tích học của con cũng đúng vì cách đánh giá kết quả học tập nếu không xem xét lại sẽ dẫn đến chỗ trẻ bị hụt hẫng khi vào học cấp 2”.

Việc “sản xuất” ra hàng loạt học sinh xuất sắc - mà không đúng lực học của trẻ cũng khiến trẻ mất kiến thức nền ngay từ đầu và vô cùng chật vật khi học lên các cấp cao hơn. Đó là chưa kể hệ luỵ đáng buồn hơn khi một ngày nào đó, đùng một cái, trẻ có thể phải chuyển từ lớp 6 xuống học lại lớp 1.

Vấn đề là để yên tâm, cha mẹ cần theo sát con nhiều hơn để cung cấp cho trẻ kiến thức còn thiếu. Ngoài ra, thay vì cho con học thêm để "ngoại giao" thì nên cho trẻ học năng khiếu, kỹ năng, ngoại ngữ… Khi có kỹ năng tốt, trẻ có thể học tập trung hơn, tư duy tốt, tiếp thu bài nhanh hơn mà không cần phải “nhồi nhét” quá nhiều kiến thức trong các lớp học thêm.

Khi đã biết con mình học hành ra sao, định hướng được cho trẻ cần học gì, cần phát triển như thế nào, cha mẹ không còn phải băn khoăn về kết quả học tập nữa bởi suy cho cùng, trẻ “đi học là để cho có kiến thức, chứ đâu phải là đi học để cho con được học sinh giỏi, về treo lên tường!” – như chia sẻ của  Huy Anh.