Người thầy thời đại mới: Đạt chuẩn quốc tế - đáp ứng yêu cầu hội nhập

(VOH) - Trong bối cảnh hội nhập thế giới, người thầy có vai trò quan trọng trong việc đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy và học theo chuẩn quốc tế, từ đó giúp học sinh tiếp cận các phương pháp mới, hiện đại.

Bên cạnh đầu tư, bồi dưỡng nâng chất đội ngũ giáo viên trong nhiệm vụ chuyên môn, trong điều kiện còn nhiều khó khăn như hiện nay, ngành giáo dục TPHCM cũng đã có những chương trình, chính sách tích cực để chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên, nhân viên trên địa bàn.

TPHCM luôn triển khai các hoạt động chăm lo cho đội ngũ giáo viên (Ảnh minh họa: LH)

Nhân kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM có những chia sẻ về vấn đề này qua cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH).

* VOH: Kỷ niệm 34 năm ngày Nhà giáo VN 20/11, năm nay ngành giáo dục TPHCM triển khai các hoạt động chăm lo cho đội ngũ giáo viên như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Hiếu: Không phải chờ đến dịp 20/11, hoạt động chăm lo cho giáo viên mới triển khai, ngành giáo dục TP đã có nhiều chương trình quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhân viên toàn ngành.

Điển hình như Quỹ chương trình chăm lo cho đội ngũ giáo viên nhân viên bị bệnh nan y, hiểm nghèo; các hoạt động chăm lo cho giáo viên ngoại thành vui tết.

Đặc biệt, dịp kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo VN, ngành giáo dục TP có nhiều hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, hỗ trợ giáo viên khó khăn… tại hai địa điểm là Cung Văn hoá Lao động TP và Đầm Sen.

Với hơn 3.000 cán bộ giáo viên, nhân viên toàn ngành tham gia các hoạt động này. Theo tôi, đây là hoạt động rất bổ ích trong điều kiện đời sống kinh tế, vật chất còn nhiều khó khăn.

Đây là một sân chơi để giúp cho giáo viên rèn luyện thể lực, tay nghề cũng như kỹ năng hoạt động tự phục vụ cũng như nâng cao thể lực của giáo viên, để làm tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn. Thứ hai, qua các hội thi này, các trường cũng tự tổ chức tại trường cũng thu hút được các học sinh hỗ trợ thầy cô tham gia các hoạt động, làm cho ngày hội trở nên rầm rộ hơn, quy mô hơn.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP cũng triển khai nhiều chương trình, như phối hợp với các ngân hàng về chương trình nhà ở cho giáo viên nghèo, thu nhập thấp. Nói chung, với tất cả sức mình, ngành giáo dục TP cũng đã cố gắng rất nhiều để cho đội ngũ thầy cô giáo an tâm công tác.

* VOH: Trong năm học 2016-2017 này, thực hiện mục tiêu Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đẩy nhanh tiến độ hội nhập khu vực và quốc tế của giáo dục và đào tạo TP, theo ông đâu là đổi mới then chốt của ngành giáo dục TP?

- Ông Nguyễn Văn Hiếu: Đầu tiên, nói đến hội nhập khu vực và thế giới thì chúng ta phải nói đến việc được khu vực, thế giới công nhận kết quả đào tạo của bậc phổ thông của chúng ta chẳng hạn.

Chương trình phải đảm bảo được sự tiên tiến, hiện đại và hội nhập với khu vực. Nhưng Sở GD-ĐT TP không chủ động chương trình được, mặc dù rất muốn đi nhanh đi trước. Sở đang chờ sự phân cấp của Bộ GD-ĐT để đi nhanh hơn trong việc xây dựng nền giáo dục phổ thông hiện đại, hội nhập khu vực và thế giới.

Chúng tôi quan tâm đến yếu tố đầu tiên đó là nâng cao chất lượng đội ngũ. Đội ngũ giáo viên của TP, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh trong thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức bồi dưỡng với các chuẩn quốc tế để đem đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong chất lượng giáo dục môn tiếng Anh.

Môn Toán và các môn khoa học, chúng ta cũng đã phối hợp tổ chức rất nhiều để cho các đơn vị, đối tác có thể cùng Sở GD-ĐT tạo điều kiện cho các em học sinh để tham gia học tập môn Toán, môn Khoa học bằng tiếng Anh ở các chương trình tiên tiến của thế giới của Anh, Úc, Singapore…

Tại TPHCM, ngành giáo dục TP tạo điều kiện cho các trường có yếu tố nước ngoài, trường ngoài công lập có điều kiện tổ chức giảng dạy các chương trình quốc tế, hoặc một phần chương trình VN được giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt là dạy bằng tiếng Anh.

Mục đích để làm sao khi kết thúc quá trình học phổ thông, các em đủ năng lực, trình độ ngoại ngữ để tiếp tục học ở bậc học cao hơn ở các nước tiên tiến trên thế giới. Hay sau khi hoàn thành ở bậc phổ thông, các em có thể sử dụng tiếng anh thông thạo để đảm bảo cung ứng nguồn lao động chất lượng cao trong xu thế hội nhập và cạnh tranh toàn cầu sắp tới.

* VOH: Trong bối cảnh hội nhập, người thầy có vai trò như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Hiếu: Người thầy có vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ở tất cả các cấp học, các cơ sở giáo dục. Do đó, việc đánh giá cao vai trò đội ngũ nhà giáo là một nhận định, một kế hoạch hết sức đúng đắn và kịp thời của TP. Không phải chỉ giáo viên tiếng Anh mà tất cả các giáo viên các bậc học khác, các môn học khác chúng tôi cũng đầu tư, bồi dưỡng và nâng cao năng lực đổi mới phương pháp dạy học.

Làm sao cũng với chương trình đó, những con người đó, chúng ta năng động đổi mới và giảm những nội dung lý thuyết để tăng cường thời lượng khả năng thực hành vận dụng cho học sinh, dạy học trong xu thế hội nhập, xây dựng những chuyên đề, hình thức dạy học mới thu hút sự quan tâm, sự ham thích học hỏi, hướng học sinh đến thực học, chất lượng thực.

* VOH: Ngay từ trước và bắt đầu năm học mới, ngành giáo dục TP đã triển khai quyết liệt chủ trương quản lý dạy thêm – học thêm, có thể nói là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện. Đến nay, chủ trương này đã đem lại những kết quả ra sao, tác động đến đội ngũ giáo viên như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Hiếu: Tôi cho rằng chủ trương rà soát và chấn chỉnh lại các tiêu cực trong dạy thêm – học thêm thời gian vừa qua của lãnh đạo TP trong thời gian qua cũng đã có tác động rất là quan trọng. Nó cũng tác động đến suy nghĩ, ý thức chấp hành của các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên trong toàn ngành. Đặc biệt là vai trò quản lý địa phương của quận, huyện, phường xã, nơi hoạt động dạy thêm – học thêm diễn ra.

Đến nay, việc dạy thêm học thêm sai quy định đã giảm rất nhiều, số lượng giáo viên đăng ký tham gia dạy thêm tại các trung tâm, chấp hành các quy định theo Thông tư 17, Quyết định 21 của UBND TP có nhiều lên. Ở các cơ sở giáo dục 2 buổi/ngày chấp hành đúng các quy định của Sở GD-ĐT. Đặc biệt với học sinh tiểu học, các trường không còn tổ chức dạy thêm tại trường cũng như ở nhà, ngoại trừ rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội và các bộ môn năng khiếu khác như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao…

Cho nên, tôi cho rằng chủ trương vừa qua cũng đã đem lại hiệu quả rất lớn trong việc chấn chỉnh tiêu cực về dạy thêm học thêm. Sắp tới đây, chúng tôi cũng đã có văn bản hướng dẫn các trường làm sao quán triệt đến tất cả thầy cô giáo, phụ huynh học sinh rằng việc dạy và học thêm phải xuất phát từ nhu cầu, quyền lợi của người học, không được có biểu hiện o ép học sinh học thêm. Ngành sẽ kiên quyết xử lý các giáo viên cố tình làm sai quy định của ngành.

* VOH: Cám ơn ông!