Nhìn lại công tác đưa đón học sinh an toàn

(VOH) - Đằng sau những đau xót, mất mát, vụ việc cháu bé lớp 1 bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong tại Hà Nội, đã gióng lên hồi chuông về cảnh báo về công tác đưa rước học sinh sao cho an toàn.

Sự việc học sinh lớp 1 một trường tiểu học, Hà Nội bị bỏ quên trên xe dẫn đến cái chết tức tưởi của một đứa trẻ ở một nơi đáng ra phải được an toàn, đang được dư luận xã hội đặc biệt là các phụ huynh đặc biệt quan tâm. Nhất là trong tình hình hiện nay dịch vụ đưa đón học sinh diễn ra khá phổ biến, nhiều lợi ích của dịch vụ này được xã hội ghi nhận như phù hợp với điều kiện đường xa, nhà không có người đưa đón, giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông, tiết kiệm thời gian đưa rước cửa phụ huynh. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn một số bất cập mà sự việc đau lòng vừa qua là một minh chứng.

Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, ngụ tại Quận 10 cho rằng: “Mỗi khi có sự việc nào đó xảy đến, họ mới nghĩ đến việc trang bị cái này, kiến thức này kiến thức kia. Tại sao không trang bị trước đó? Phổ biến những chương trình, trang bị kiến thức cho học sinh, giáo viên, người dân. Đến khi sự việc xảy ra mới tìm cách chữa cháy, làm cho có, hời hợt, khi chuyện xảy ra thì đổ lý do này, lý do khác thì làm sao dám tin tưởng giao con cho họ" 

 học sinh, đưa đón học sinh, Gateway

Học sinh lớp trường Gateway, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội tử vong do bị bỏ quên nhiều giờ trên xe ô tô đưa đón từ nhà đến trường xảy ra vào tối 6/7 khiến dư luận hoang mang. Ảnh: NĐT

Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, Giảng viên dạy kỹ năng sống, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, phản ánh một số trường thực hiện đưa rước lại không dạy cho trẻ những kỹ năng ứng phó với các tình huống khi đi xe mà chỉ ban hành những quy định, nội quy: "Các trường có đưa rước học sinh thường thấy chỉ dạy cho các em về nội quy như lên xe bước từng người một, đi theo hàng, không nói chuyện không làm ồn, không đùa giỡn trên xe, ngồi xe ra sao, xe dừng như thế nào. Nhưng dạy trực tiếp kỹ năng đi xe, như trường hợp bị bỏ quên, những tình huống dường như chưa thấy"  

Bên cạnh đó, việc đưa đón học sinh đến trường hiện vẫn còn một số bất cập như tình trạng chất lượng xe không đảm bảo, ý thức lái xe không cao, các biện pháp bảo đảm an toàn không có hoặc thiếu... vẫn còn diễn ra ở nơi này hay nơi khác.

Ông Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều, Quận Tân Bình cho biết, trường hiện tổ chức đưa đón học sinh trên địa bàn quận từ nhà hoặc tuyến hẻm đến cổng trường thông qua hợp đồng với một Hợp tác xã xe. Ngoài việc căn dặn học sinh có mặt đúng giờ tại điểm đón, không đùa giỡn trên xe, mỗi sáng sau khi vào học khoảng 15 phút, nhà trường đều điểm danh từng lớp và thông báo các trường hợp vắng cho phụ huynh. Hợp đồng ký kết với nhà xe, nhà trường luôn yêu cầu phải đảm bảo tính an toàn. Bản thân ông thỉnh thoảng đi sau các xe đưa rước để nắm tình hình và nhắc nhở học sinh sau đó. Tuy nhiên, do lộ trình ngắn, nên đơn vị cung cấp xe dạng xe lam, chỉ ngăn học sinh bằng sợi dây xích, trong khi các em lứa tuổi trung học cơ sở khá hiếu động. Vì vậy, hiệu trưởng này cho rằng vẫn còn nhiều lo ngại: " Quy trình đón học sinh hoặc đưa học sinh từ trường về nhà đều đưa các cháu đến nơi và ngược lại, không gặp được trực tiếp để bàn giao, đến trường thì xe chở tới cổng trường và các em vào trường. Học sinh lớn hay nhỏ gì theo tôi đều phải quan tâm hết, không phải lớn thì yên tâm hơn. Lớn lại có kiểu đùa giỡn theo kiểu lớn. Trong khi xe đưa rước không có giáo viên ngồi trên xe, chỉ có một tài xế phía trước"    

Công tác đưa rước học sinh trên địa bàn TPHCM bắt đầu từ đầu những năm 2000, trong đó Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa là một trong những đơn vị tiên phong. Đến nay, số lượng học sinh đi xe đưa rước của trường khoảng 1.000 em với 55 chuyến xe đưa đón học sinh từ 24 quận huyện. Loại xe dùng để đưa rước học sinh là loại xe 16 chổ. Nhà trường không hợp đồng nhỏ lẻ với từng xe, từng tài xế mà làm việc với 4 đơn vị công ty và hợp tác xã chủ quản, có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, nhà trường vẫn thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt toàn thể bác tài để trao đổi những vấn đề cần điều chỉnh, đưa ra những kiến nghị, yêu cầu, đề xuất nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Những tài xế này sẽ kiểm đếm số học sinh lên xe, liên hệ với phụ huynh trong đưa đón, cũng như phải quan sát trong và ngoài xe, phối hợp đảm bảo điều kiện an toàn cho học sinh rời xe.

Bà Trần Thị Hồng Thuỷ, Phó hiệu trưởng TrườngTrung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa lưu ý: "Bởi vì không chỉ ở trên xe mới có thể xảy ra sự cố mà bên dưới xe cũng có thể có sự việc. Ví dụ học sinh bước xuống sân trường rồi nhưng xe chạy qua chạy lại, em di chuyển không hợp lý hay sút dây giày ngừng lại cột ... Những việc nhỏ như vậy vẫn có thể có sự cố bất ngờ xảy ra. Bộ phận bảo vệ phối hợp chặt chẽ với tài xế khi các cháu xuống xe, vào khuôn viên trường vô hành lang lớp học như thế nào cho an toàn nhất" 

Hằng năm ngành giáo dục đều có văn bản nhắc nhở các đơn vị trường học tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự trong trường học. Theo đó, các trường có trách nhiệm xây dựng quy trình, kế hoạch đảm bảo an toàn cho học sinh trong tất cả hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi, dã ngoại trong và ngoài trường cũng như quá trình vận chuyển học sinh. Tuy nhiên, nếu tồn tại sự cẩu thả, tắc trách trong quy trình thì sự an toàn vẫn không thể đảm bảo.