Những lớp học hè không sách vở

(VOH) -  Không có những quyển sách giáo khoa khô cứng, những quyển tập nặng ì, đồ dùng học tập các em mang đến lớp học hè có khi chỉ hộp bút chì màu, thước kéo cắt dán thủ công, dụng cụ thể dục thể thao, hay chỉ là vài ống hút nhựa...

Nhưng không vì vậy mà lớp học hè của các em kém phần bổ ích. Ngược lại, thầy cô như những người bạn mang đến cho các em cả một mùa hè đầy vui tươi với bao nhiêu điều cần khám phá.

"Cùng nắm tay nhau - Ta đi trồng rau - Rau ơi lớn mau - Để bé thu hoạch - Rau sạch bé ăn"

Những vần điệu trong sáng của bài thơ, những câu hỏi đáng yêu của trẻ nhỏ như "cô ơi có rắn trong đất không cô? cô ơi có con sâu không cô? cô ơi như vậy đã tưới đủ nước chưa cô? ... làm xôn xao cả góc sân thượng của trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm trong những ngày hè. Đến với giờ học trồng rau các bé được học cách vun phân cho đất, cách gieo hạt, nhổ cỏ, chăm sóc, theo dõi sự phát triển của hạt mầm.

Từ việc tự tay chăm sóc hạt mầm, bé học được cách yêu quý cây xanh, yêu quý góc vườn trường. Đây cũng chính là tiêu chí hoạt động chung  của câu lạc bộ "Em yêu trường em", một hoạt động trong số rất nhiều các hoạt động được các thầy cô thiết kế riêng cho các em học sinh trong dịp hè.

Năm nay là năm thứ hai Sở GD&ĐT TPHCM chỉ đạo các trường không được tổ chức dạy văn hoá trong dịp hè. Thay vào đó, các hoạt động phát triển kỹ năng, trải nghiệm sáng tạo... được khuyến khích thực hiện. Mô hình sinh hoạt hè của trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng như nhiều trường tiểu học, trung học trên địa bàn thành phố được xem là sự nỗ lực sáng tạo của các thầy cô nhằm mang đến cho các em một mùa hè thực sự ý nghĩa đồng thời vẫn đáp ứng được nhu cầu gửi con của không ít phụ huynh trong dịp hè.

Các em trong CLB "Khéo tay hay làm".

Để thuận tiện cho phụ huynh, các lớp sinh hoạt hè của Trường được tổ chức trên khung thời gian của giờ học, có lớp bán trú và cũng có lớp học một buổi tuỳ theo nhu cầu của gia đình. Các em được chủ động lựa chọn sinh hoạt theo các câu lạc bộ, với các môn học phù hợp nguyện vọng của mình theo 3 hướng: bồi dưỡng, năng khiếu và kỹ năng.

Cụ thể, với tiêu chí bồi dưỡng kiến thức các em được tham gia vào các câu lạc bộ "Ươm mầm văn thơ", "Đồng dao vui nhộn", "nhà toán học tương lai"... Những kiến thức không đơn thuần là kiến thức mà được chuyển hoá một cách sinh động thông qua các hình thức làm thơ, gieo vần, giải quyết những tình huống thực tế, hay những chuyến về nguồn ... 

"Vẫn là học Toán, học Tiếng Việt nhưng hoàn toàn không phải theo chương trình. Ví dụ cô đưa một văn bản, một bài thơ, một bài đồng dao, ca dao, tục ngữ cho các em tìm hiểu nội dung. Trong quá trình tìm hiểu, cô phân tích, yêu cầu học sinh tìm từ ghép, từ láy, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa hoặc đặt câu. Dựa trên việc tìm hiểu, phát triển văn bản sẽ mang lại kiến thức, ôn luyện lại cho các em. Học sinh cũng có một sân chơi trong trường. Trong trường với đội ngũ  giáo viên quản lý của trường, cơ sở vật chất của trường thì rõ ràng là sẽ an toàn hơn cho các em" , cô Lâm Hồng Lãm Thuý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, phân tích.

Ngoài ra, các câu lạc bộ " Khéo tay hay làm", "thể dục thể thao", "năng khiếu" cũng thu hút sự tham gia của không ít học sinh. Sản phẩm làm ra là hộp quà hình tháp, hình hộp lập phương. Thông qua đó, học sinh tiểu học nhận thức một cách sâu sắc hơn về diện tích của từng hình. Các câu lạc bộ năng khiếu đàn, hát, thể dục thể thao cũng mang đến cho các em những trải nghiệm mới mẻ.

Tại trường THCS Trần Văn Ơn, các em ở lứa tuổi cấp 2 được chọn học những lớp Thể dục tự chọn, Tin học, lắp ráp Robot, kỹ năng sống. Câu lạc bộ thực nghiệm các môn học ra đời nhằm mục đích biến những kiến thức khô cứng trên sách giáo khoa trở thành những hoạt động khoa học lý thú.

Ứng dụng kiến thức vật lý, các em được trải nghiệm đun nấu làm bánh xà bông theo những hình dạng khác nhau, làm kính vạn hoa.

Ứng dụng bài đối xứng trục trong Toán học, các em cùng thực hành xếp tháp bằng ống hút nhựa, làm chong chóng.

Các em được trải nghiệm môn Văn trong câu lạc bộ bằng cách tìm hiểu mở rộng nội dung thông qua các chuyên đề. Chẳng hạn như với chuyên đề "chuyện tình người lính qua các tác phẩm văn học", các em được tìm hiểu các bức thư gửi gia đình của các thế hệ đi trước, được đến tham quan các bảo tàng nơi lưu giữ những kỷ vật của người chiến sĩ, hoặc đến nhà thăm hỏi trực tiếp những người cựu chiến binh. Cảm nhận bằng hơi thở cuộc sống, nên kiến thức đến với các em một cách tự nhiên. nhẹ nhàng và đầy lý thú.

Giờ học trồng rau các bé được học cách vun phân cho đất, cách gieo hạt, nhổ cỏ, chăm sóc...

Cô Trần Thuý An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, cho biết những giáo viên trẻ, tiếp cận với công nghệ thông tin tốt, các thầy cô có kỹ năng tìm kiếm những cách thực giáo dục, phương thức giáo dục trên internet kể cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt để soạn ra giáo án của mình. Các thầy cô có khả năng nghĩ ra các đề tài ấy cũng rất hứng thú, chính bản thân giáo viên cũng rất vui vì đã làm được những việc trong năm dù muốn nhưng vẫn không làm được.

Những hoạt động trải nghiệm hè của các trường trong thời gian qua đã ghi nhận những hưởng ứng rất tích cực từ gia đình và chính bản thân học sinh. Nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm, những nụ cười trong veo, những bàn tay khéo léo lắp ráp sản phẩm và cả những vệt màu lấm lem trên mặt các em trong các giờ trải nghiệm, phụ huynh hay bất kỳ người lớn nào cũng cảm thấy hạnh phúc vì các em có một mùa hè thật ý nghĩa.