Những nghiên cứu khoa học mang tính đột phá của Đại học Y Dược TP

(VOH) – Hơn 3.000 đại biểu từ các trường đại học, cao đẳng y dược, các cơ sở y tế phía Nam đã tham dự Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Đại học Y Dược TPHCM lần thứ 35 vào sáng 30/3.

Ngoài việc nắm bắt những kết quả của các nghiên cứu mới về y học Việt Nam, các đại biểu còn trao đổi, thảo luận công tác chuyên môn với các nhà khoa học của các bệnh viện, các trường đào tạo và nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe.

Trong năm 2017, Trường Đại học Y Dược TP có hơn 300 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, 12 đề tài được các địa phương đặt hàng với tổng kinh phí được cấp khoảng 13 tỷ đồng. Đặc biệt, Đại học Y Dược TPHCM là trường có nhiều công bố quốc tế nhất trong các trường khối ngành sức khỏe với 87 bài báo.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Bên lề hội nghị, VOH phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng nhà trường về những kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật, đặc biệt là những công trình mang tính đột phá cho ngành y tế VN và có sức ảnh hưởng đến lĩnh vực y khoa quốc tế.

Nghe nội dung phỏng vấn

*VOH: Thưa ông, trong năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ của Đại học Y Dược TPHCM có những kết quả nổi bật nào?         

- Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng: Trong năm qua nhà trường có nhiều công tác, đó là chăm sóc y tế cho người dân, thứ hai là có những nghiên cứu cho sản phẩm và nguyên liệu dành cho việc sản xuất thuốc. Nhà trường đã có sản xuất một số chất chuẩn để định lượng những dược liệu hiếm ở Việt Nam.

Điều này đã tiết kiệm được kinh phí Nhà nước trong việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc. Ngoài ra có nhiều nghiên cứu nhỏ hơn về dược có những kết quả thực tiễn, đó là những dạng chế phẩm bào chế mới dạng nano trong điều trị ung thư, trong điều trị bệnh lý khâu vết thương,...

Về trực tiếp nghiên cứu khoa học, giảng viên của trường có một đề tài được đánh giá cao trên quốc tế và được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The New England Journal of Medicine, đó là đề tài “Nghiên cứu đánh giá, sử dụng phôi trữ - phôi tươi trong thụ tinh nhân tạo”.

Đây là câu hỏi mà nhiều nhà khoa học quốc tế đã đặt ra từ rất lâu nhưng chưa có lời giải đáp thỏa đáng và đề tài này đã có câu trả lời.

Những đề tài ứng dụng khác của trường đã được nằm trong danh mục những đột phá của ngành y tế trong năm 2017. Đơn cử như nghiên cứu về sử dụng sten tự tan điều trị các bệnh mạch vành.

* VOH: Trong các kết quả nghiên cứu khoa học, ông đánh giá sự đóng góp và tiềm năng nghiên cứu sáng tạo của các giảng viên - nhà khoa học trẻ ra sao?         

- Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng: Những giảng viên trẻ có tiềm năng nghiên cứu khoa học cực kỳ lớn, đặc biệt là so với thế hệ chúng tôi. Họ được đào tạo trong nước bài bản, sau đó có cơ hội được tu nghiệp ở các trường đại học lớn trên quốc tế nên họ kết nối được với các nhà khoa học lớn trên thế giới.

Do đó, họ luôn có những đóng góp và các đề tài mang tính chất đột phá. Những nhà khoa học trẻ này giúp chúng ta tin tưởng vào tương lai của việc phát triển về khoa học y tế của VN.         

* VOH: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển ngành dược ở Việt Nam? Vai trò nghiên cứu của nhà trường đóng góp trong lĩnh vực này?

- Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng: Việc phát triển ngành dược đòi hỏi có sự phối hợp của nhiều ngành khoa học khác nhau. Ví dụ, hiện nay có nhiều loại thuốc mới như thuốc chế phẩm sinh học thì đòi hỏi sự kết hợp giữa các nhà khoa học, nhà sinh học, các nhà nghiên cứu về tế bào – mô học, nghiên cứu về kỹ thuật, về vi tính như khái niệm về data mining (khai phá dữ liệu), big data (dữ liệu) trở nên cực kỳ quan trọng trong tất cả lĩnh vực cuộc sống, trong đó có dược.

Hiện nay, nhà trường có nhiều bước phát triển rất lớn, nhưng so với khoảng cách sự phát triển dược của quốc tế thì chúng ta còn nhiều điểm cần phải cải thiện.

Quan trọng nhất, tôi nghĩ là cần có những nghiên cứu liên ngành không chỉ trong ngành dược, ngành y tế mà cần những ngành khoa học khác cùng đóng góp cho sự phát triển chung.

*VOH: Cảm ơn ông.