Phải phân biệt giữa cưng nựng và dâm ô trẻ em để tránh tình trạng chạy tội !

(VOH) - Tọa đàm chủ đề "Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - Chống được không?" tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, Quận 10, với sự tham gia của khoảng 2.000 học sinh trên địa bàn.

Sáng nay, 8/4, trước tình trạng hàng loạt vụ bạo lực học đường và dâm ô trẻ em diễn ra trên cả nước, Báo Tiền Phong phối hợp với trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức tọa đàm chủ đề "Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - Chống được không?" tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, Quận 10, với sự tham gia của khoảng 2.000 học sinh trên địa bàn.

bạo lực học đường, dâm ô trẻ em

Tọa đàm  "Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - Chống được không?" do  Báo Tiền Phong phối hợp với trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức tại  Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10.

Tham gia hội thảo các đại biểu ghi nhận vài năm gần đây tần suất các vụ bạo lực học đường, dâm ô có dấu hiệu gia tăng cũng như cấp độ nặng nề hơn. Trong đó, một phần nguyên nhân là sự tiếp tay của mạng xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề gốc của tình trạng bạo lực học đường và xâm hại trẻ em xuất phát từ nhân cách đạo đức được trau dồi rèn luyện của mỗi người. Đặc biệt, theo Thiếu tá, Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học An ninh Nhân dân, Bộ Công an, vụ bạo lực học đường tại Hưng Yên xét ở góc độ nào đó sẽ mang lại những lợi ích cho xã hội sau này khi phải xây dựng những giải pháp cho việc phòng chống bạo lực.

Bài học từ vụ việc này chính là sự che giấu thông tin vì thành tích, thi đua của nhà trường. Đó là một hệ luỵ rất nguy hiểm cần loại bỏ. Riêng vụ dâm ô trẻ em tại chung cư Quận 4, thiếu tá đề cao vai trò của ban quản lý và lực lượng bảo vệ đã chủ động ngăn chặn, nắm bắt thông tin và hỗ trợ bắt giữ đối tượng. Nhờ "hệ sinh thái" văn minh, trách nhiệm của chung cư, sự việc sớm được đưa ra công luận.

Thiếu tá, Tiến sĩ, Lê Hoàng Việt Lâm khẳng định: "Một vị tướng tài của thế giới là Napoleon Bonaparte có một câu nói rất nổi tiếng 'Xã hội sẽ trở nên tồi tệ hơn không phải vì hành vi của những con người xấu mà chính là từ sự im lặng của những con người tốt'. Chúng ta phải biết đấu tranh, bảo vệ lẽ phải, chúng ta phải biết chịu trách nhiệm trước những hành vi của xã hội. Có như vậy, xã hội mới tốt hơn."

bạo lực học đường, dâm ô trẻ em

Học sinh được hướng dẫn kỹ năng tự vệ tại buổi toạ đàm

Theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến, Giảng viên Đại học Y Dược, cố vấn chuyên gia Khoa Tâm thể, Bệnh viện Thủ Đức, bị tổn thương về tinh thần hay về thể chất đều mang đến đau khổ cho nạn nhân. Tuy nhiên, những tổn thương về thể chất có thể đánh giá, đo đếm được nhưng những tổn thương về tinh thần rất khó xác định, có khi tồn tại lâu dài, hoặc bộc phát sau đó dưới dạng bệnh tâm thần như trầm cảm, stress...

Đáng ngại, có những trẻ nhỏ bị trầm cảm nhưng người lớn chủ quan, không phát hiện kịp thời cho đến khi có những biểu hiện nghiêm trọng. "Nếu một đứa trẻ đang bình thường gặp một cú sốc như vậy có thể trở nên bất thường cho sau này, thậm chí không làm được điều gì cho sau này vì bị ám ảnh bởi điều đó. Cho nên, luôn nói với trẻ, gặp bất cứ điều gì đều nói cho cha mẹ biết, để kịp thời nhận diện những khó khăn trẻ đang gặp"

Thạc sĩ, Phạm Anh Thắng, Trưởng văn phòng đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng bạo lực học đường, dâm ô trẻ em không mới nhưng là vấn đề nóng. Trẻ em đang có một hành lang pháp lý bảo vệ chặt chẽ nhưng dường như các em chưa được hướng dẫn và chưa thực sự quan tâm nên vô tình đã trở thành nạn nhân.

Thạc sĩ, Phạm Anh Thắng, khẳng định đã đến lúc phải phân biệt lại ranh giới giữa dâm ô và cưng nựng, để tránh tình trạng kẻ xấu lợi dụng để chuyển hoá, chối tội. Ngoài ra, mỗi nhà trường giáo viên cần gần gũi chia sẻ hợp tác với học sinh của mình nhằm nhân lên những hoạt động tốt đẹp tích cực, giảm đi những hành vi bạo lực, chưa tốt trong trường học.

"Có chống được không? Chúng tôi thống nhất với các diễn giả và tất cả ý kiến là quyết tâm phải chống bằng được vì một xã hội văn minh, vì tương lai của lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam. Vì sự an toàn  của chính bản thân mỗi con người thìchúng ta phải chống cho bằng được những tế nạn này".