Phần Lan: không có bất cứ bài kiểm tra nào cho học sinh

(VOH) - Trong khuôn khổ Tuần lễ đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM, chiều ngày 18/10, đã diễn ra Hội thảo "Giáo dục của tương lai - Các thách thức và giải pháp từ Phần Lan".

Tại hội thảo, bà Kristina Kaihari, Tham tán Giáo dục, Cơ quan Giáo dục Quốc gia Phần Lan cho biết tại quốc gia này không có bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ nào cho học sinh Phần Lan. Giáo viên chỉ tập trung vào truyền đạt kiến thức. Học sinh được tổ chức các hoạt động trải nghiệm, vui chơi, học thông qua chơi nên trở nên sáng tạo hơn. Quá trình giáo dục của quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới này hướng đến sự phát triển toàn diện, thông qua việc tạo môi trường thuận lợi cho các em phát triển. Trong đó có những môi trường giả lập trong thành phố thu nhỏ. Qua đó, giúp học sinh thay đổi cách nhìn về nền kinh tế về khởi nghiệp.

bài kiểm tra , Phần Lan, giáo dục

Toàn cảnh buổi hội thảo "Giáo dục của tương lai - Các thách thức và giải pháp từ Phần Lan"

Tham tán Giáo dục khẳng định tại Phần Lan, đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, chuyên môn cao, uyên bác, đa phần là thạc sĩ, tiến sĩ. Giáo viên là công việc được tôn trọng và đánh giá cao hàng đầu trong xã hội. Cũng như, không có những hoạt động thanh tra giáo dục, bởi người dân và xã hội tin tưởng vào những giá trị giáo dục mà giáo viên mang lại. Lòng tin này rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết học sinh Việt Nam được kiểm tra liên tục, giữa kỳ, cuối kỳ. Trung bình mỗi môn học đánh giá 8-10 lần/năm. Phụ huynh luôn quan tâm con cái học tập như thế nào nên việc đánh giá kết quả học tập là một kênh thông tin quan trọng giữa nhà trường và gia đình. Gần đây, ở cấp tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đổi mới không đánh giá bằng điểm số mà thay bằng những nhận xét. Trong quá trình như vậy sự phát triển của học sinh được nâng lên. Tuy nhiên, với những điều kiện thực tế tại TPHCM, giáo viên phải đối mặt với sỉ số lớp cao nên khó tổ chức tốt các hoạt động giáo dục.

"Hiện nay ở TPHCM có những khó khăn, bất cập khác so với cả nước. Đó là, việc dạy theo số đông. Tức là lớp học có khi lên đến 60 học sinh. Trong khuôn viên lớp học, giáo viên không cách gì biết được học sinh nắm kiến thức đến đâu để hỗ trợ giúp đỡ kịp thời trong quá trình học tập. Cũng như so sánh với quá trình học của học sinh Phần Lan, vui chơi rất nhiều, làm việc mình thích, vừa học vừa quan sát xung quanh. Đó là định hướng các lớp học mở, học bên ngoài nhà trường. Chúng tôi đang bắt đầu thực hiện những việc đó", ông Hiếu cho biết thêm.

Hội thảo cũng lưu ý đến vấn đề giảng dạy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, mô hình trường học hợp tác với doanh nghiệp, đưa  học sinh cấp 3 đến các dự án, cũng như giới thiệu trình diễn một số giải pháp giáo dục đến từ các công ty Phần Lan.