Phát hiện hóa thạch lâu đời nhất trái đất tại Greenland

(VOH) - Các nhà khoa học vừa phát hiện hóa thạch có niên đại 3,7 tỷ năm - hóa thạch lâu đời nhất của sự sống trên trái đất tại Greenland.

Khu vực đá hàng tỷ năm tuổi tại Greenland

Nếu được xác nhận, các hóa thạch này cổ hơn tới 220 triệu năm tuổi so với hóa thạch phát hiện trước đây, cung cấp bằng chứng cụ thể của các sinh vật sống cổ xưa và manh mối bí ẩn về cuộc sống tương tự như trên sao Hỏa.

Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nature cho biết, những hóa thạch là đá stromatolite - cấu trúc gò cong giống như được tạo bởi vi khuẩn quang hợp. Các cấu trúc hiển vi hình thành dạng khuẩn lạc dưới đáy biển, mỏ cacbonat kết hợp với trầm tích để làm cho gò được bảo quản trong các lớp đá.

Sự sống ban đầu

"Lần đầu tiên, chúng tôi thực sự có thể nhìn thấy một môi trường chứa đựng sự sống phát triển mạnh mẽ", nhà khoa học Allen Nutman (Đại học Wollongong, Úc) cho biết.

Nutman cho biết thêm: "Hóa thạch này ở một vùng biển nông, có thể là khá gần với bờ biển. Nếu chúng chứa sinh vật từ 3,7 tỷ năm trước đây với cấu trúc có thể nhìn thấy bằng mắt thường, có thể điều tương tự cũng xảy ra trên sao Hỏa".

Khoảng 3,7 tỷ năm trước, sao Hỏa đã hình thành sông và đại dương. Môi trường nước được phát hiện bằng mẫu đá chịu tác động của sóng trên trầm tích đáy biển.

Mặc dù các nghiên cứu trước đây sử dụng các đồng vị (nguyên tố hóa học) cho sự sống trên Trái đất 3,8 tỷ năm qua, đây là lần đầu tiên có bằng chứng cụ thể về các phát hiện này.

Phát hiện khi tuyết tan chảy

Nutman là thành viên của nhóm nhà khoa học Úc nghiên cứu các vành đai Isua supacrustal ở tây nam Greenland – nơi có loại đá cổ nhất trên thế giới. Ông đã nghiên cứu trong suốt 36 năm qua.

Tuy nhiên, Isua là đá biến chất - được hình thành bởi nhiệt độ cao và áp lực chuyển đổi các mảng kiến ​​tạo. Chỉ sau khi một thập kỷ băng tan, những hóa thạch hiện ra. Đây là điều làm cho khám phá khoa học này trở nên đáng ngạc nhiên.

Nutman nói: "Chúng tôi thấy rằng có một khu vực bị tuyết bao phủ trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên ở đó vào giữa mùa hè, không có tuyết. Chúng tôi đi qua và tất cả ngay lập tức nhận ra hóa thạch".

Một số nhà khoa học khác có thể lập luận rằng, các điều kiện biến chất cường độ cao có thể làm biến dạng đá, nhưng các nhà nghiên cứu tin tưởng những phát hiện của mình. Họ thực sự đã khám phá ra vào mùa hè năm 2012, nhưng dành 4 năm nghiên cứu và thử nghiệm trong phòng thí nghiệm để củng cố lý thuyết của họ.

"Tất cả dữ kiện chỉ ra rằng chúng sẽ thành đá stromatolite. Những phát hiện thật thú vị" - Nutman nói.

Tiến sĩ William Martin, người đứng đầu Viện tiến hóa phân tử tại Đại học Heine Henrich Dusseldorf cho biết, các hóa thạch cần phân tích đồng vị hóa học để chứng minh bản chất sinh học không thể chối cãi.

"Nếu đó thực sự là nguồn gốc sinh học - tôi nghĩ chúng thuyết phục trên hai phương diện. Thứ nhất, đó sẽ là những hóa thạch lâu đời nhất. Thứ hai, gần như chắc chắn đó là sinh vật quang hợp. Tất cả những dấu hiệu cho thấy rằng sinh vật phát triển trên đá stromatolite và hấp thụ ánh sáng mặt trời ở vùng nước nông" – theo Tiến sĩ William Martin.

Giáo sư Matthew Wills của Trung tâm Milner (Đại học Bath) giải thích, vi khuẩn quang hợp có một vai trò quan trọng trong sự tiến hóa của sự sống trên Trái đất.

"Thông qua sự quang hợp, các vi khuẩn sẽ sản xuất khí oxy và carbon dioxide, tạo ra bầu khí quyển của chúng ta hàng trăm triệu năm. Quá trình này cũng giảm bức xạ có hại của mặt trời và khởi đầu cho các hình thức phức tạp hơn của sự sống" - Giáo sư Wills phân tích.

Wills cho biết: "Đá ở độ tuổi này là cực kỳ hiếm vì nó có xu hướng chuyển dịch xuống phần lõi nóng chảy của Trái đất bởi các mảng kiến ​​tạo. Vì vậy, mặc dù sự sống có thể có nguồn gốc trước đó, cơ hội của chúng ta trong việc tìm kiếm các hóa thạch lớn hơn là khá mong manh".