Phương án tuyển sinh 2017:Bộ không làm theo quy định do chính mình đặt ra?

(VOH) - Tổ chức thi ra sao, trước hay sau kỳ thi THPT Quốc gia của Bộ… là hàng loạt băn khoăn về đổi mới trong dự thảo tuyển sinh 2017 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố.

 

Thí sinh dự thi kiểm tra đánh giá năng lực tại trường ĐH Luật TPHCM năm 2016.

Bộ không làm theo quy định do chính mình đặt ra?

Trong 4 năm qua, năm 2017 được xem có thay đổi rất lớn tập trung chủ yếu ở khâu thi, chứ không nằm ở khâu xét tuyển. Dự kiến sẽ có 5 bài thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên gồm Lý, Hoá, Sinh và Khoa học xã hội gồm Sử, Địa, Giáo dục công dân.

Trừ môn Văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại đều thi trắc nghiệm. Mỗi bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội đều có 60 câu, cụ thể 20 câu cho mỗi phân môn.

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, ĐHQG TPHCM cho rằng, học sinh sẽ rất lo lắng hai tổ hợp môn thi Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội này. Bộ nên công bố sớm để học sinh làm quen với việc chấm thi theo môn hay bài thi. Với 5 bài thi, tổ hợp xét tuyển cũng sẽ thay đổi trong khi học sinh vẫn chuẩn bị theo cách thức cũ.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng Phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng, ĐH Sư Phạm TPHCM băn khoăn: “Trước đây dành thời gian 90 phút/môn, bây giờ 90 phút lại dành cho 3 phân môn thì khả năng thích ứng của học sinh liệu có đảm bảo?

Ví dụ, học sinh thi khối A1 có thể chọn bài thi Khoa học tự nhiên, dành nhiều thời gian làm bài thi môn Lý. Còn nếu chọn khối A thì tập trung làm phần Lý, Hoá để có đủ điểm để xét tuyển. Như vậy, một bài thi nhưng có em dành nhiều thời gian cho 1 phân môn, có em lại dành nhiều thời gian cho 2 phân môn, thế thì thang đo lúc đó sẽ như thế nào”.

Trong khi đó, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, trưởng phòng tuyển sinh, Trường ĐH Giao Thông Vận Tải TPHCM đề nghị Bộ nên công bố rõ ràng bởi nếu không, Bộ đang đi ngược lại quy định mà mình đặt ra:

"Điều này liên quan đến điều mà Bộ trong các năm vừa qua đề cập, đó là trường nào thay đổi tổ hợp xét tuyển truyền thống phải công bố trước 3 năm. Trong khi đó, năm 2017 Bộ đưa ra hai bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội như vậy với các trường xét theo tổ hợp truyền thống thì tổ hợp môn mới như thế nào?

Ví dụ, tổ hợp Toán – Lý – Hoá cũ, nếu Bộ cho xét theo các môn truyền thống: Toán riêng, Lý riêng, Hoá riêng, như vậy bài thi môn Khoa học tự nhiên phải được tách ra. Còn nếu xét bằng bài thi chung tổng hợp của bài Khoa học tự nhiên thì giờ chỉ còn có hai môn là Toán và Khoa học tự nhiên”.

Bên cạnh băn khoăn đối với tổ hợp xét tuyển với mỗi phân môn của bài thi tổ hợp chỉ có 20 câu, một vấn đề đặt ra là liệu với số lượng ít như vậy, kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia có đủ độ tin cậy để các trường sử dụng xét tuyển? Nếu chưa đủ thuyết phục hoặc với yêu cầu riêng, các trường có cần phải tổ chức thêm một kỳ thi đánh giá năng lực?

Ths Lê Văn Hiển - Phó trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Luật TPHCM (giữa).

Kết quả bên dưới không được bên trên công nhận

Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Luật TPHCM cho rằng nên có một kỳ kiểm tra đánh giá năng lực. Quan trọng hơn là nội dung kiểm tra này không trùng với kiến thức thí sinh vừa thi THPT quốc gia mà tập trung ở bốn nhóm kiến thức: kỹ năng sử dụng tiếng Việt, kiến thức về xã hội, pháp luật, tư duy logic.

Kỳ thi này nên thực hiện trước kỳ thi chính thức của Bộ. Tuy nhiên, để có một bài kiểm tra năng lực chung cho các trường sẽ rất khó, nên thực hiện theo từng nhóm ngành của từng trường.

Ths Hiển phân tích: “Về các tiêu chí để xét tuyển, chúng ta có kết hợp hay không, hay chỉ lấy bài thi kiểm tra năng lực thì tùy theo đặc thù của từng trường. Có trường kết hợp cả hai kết quả thi THPT Quốc gia và kiểm tra năng lực. Cũng có trường chỉ cần lấy bài thi kiểm tra năng lực. Vì vậy, có thể chúng ta tham gia vào việc tổ chức kiểm tra năng lực, nhưng tiêu chí như thế nào là do hội đồng tuyển sinh của từng trường”.

Tiến sĩ Trần Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công Nghiệp Thực Phẩm TPHCM cho biết, trường này đã tham khảo cách thi, đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội từ lâu và đã thỏa thuận sử dụng chung kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội. Vì vậy, ông rất tán thành việc thi đánh giá năng lực, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các nhóm trường trong việc này:

“Nếu trong trường hợp các nhóm trường ở TPHCM tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực riêng, trường sẽ tham gia đóng góp về năng lực, nguồn lực. Chúng tôi cam kết cùng các trường đứng ra tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và sử dụng chung kết quả của nhau”.

Để tổ chức thi đánh giá năng lực được khách quan, tránh rủi ro, Tiến sĩ Trần Thế Hoàng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM đề nghị cần có đầu mối : “Nếu trong trường hợp phải tổ chức một kỳ thi đánh giá, chúng tôi mong muốn bộ phận khảo thí của ĐHQG TPHCM sẽ giúp cho các trường sử dụng ngân hàng đề chung, đánh giá theo từng nhóm lĩnh vực: kinh tế, khoa học tự nhiên, xã hội… Các trường sẽ sử dụng ngân hàng đề này, một là khách quan, hai là giảm thiểu rủi ro cho các trường”.

Nhiều chuyên gia giáo dục kỳ vọng có một kỳ thi THPT Quốc Gia công bằng để các trường đại học không phải sử dụng thêm một công cụ đánh giá nào nữa, bởi như thế nào cũng nặng nề, tốn kém cho người học, cho nhà trường. Đặc biệt, việc này còn tổn hại cho thương hiệu giáo dục khi xã hội nhìn vào thấy rằng kết quả từ bên dưới lại không được bên trên công nhận.