Quận Bình Thạnh: Thiếu tổng phụ trách Đội

(VOH) - Thông tin tại buổi giám sát sáng 11/5 của Ban Văn hoá-Xã hội HĐND thành phố tại quận Bình Thạnh.

Phòng Giáo dục-Đào tạo Quận Bình Thạnh nêu khó khăn trong tuyển dụng giáo viên làm Tổng phụ trách đội. Dù quy định mỗi trường chỉ có một tổng phụ trách đội nhưng hiện nay tại 2 cấp lớp tiểu học và THCS trên địa bàn quận đã thiếu 10 nhân sự cho vị trí này.

Trong khi đó, số giáo viên tuyển dụng, ký hợp đồng cho công việc này chỉ công tác 1-2 năm là chuyển đi nơi khác hoặc làm việc khác do thiếu chế độ đãi ngộ.

Theo ông Nguyễn Hữu Nhơn, Trưởng phòng GD-ĐT Quận Bình Thạnh, các trường ĐH Sư Phạm, ĐH Sài Gòn đào tạo giáo viên là chính. “Mặc dù có đào tạo một môn học về phương pháp công tác đội, nhưng khi ra trường, các anh chị đều nguyện vọng được làm giáo viên, không ai muốn được phân công làm Tổng phụ trách đội. Vì vậy, chúng tôi không tuyển được vị trí này”, ông Nhơn nói.

Ông Nguyễn Hữu Nhơn (đứng), Trưởng phòng GD-ĐT Q Bình Thạnh báo cáo tình hình giáo dục và đào tạo trên địa bàn

Để giải quyết bài toán thiếu nhân sự ở các vị trí đặc thù như Tổng phụ trách đội, ông Đỗ Văn Đạo, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, Quận nên có kế hoạch tính toán, phân công lực lượng giáo viên kế thừa. Công việc này đòi hỏi năng khiếu, nhiệt huyết của tuổi trẻ nên để giáo viên mới ra trường đảm nhận một khoảng thời gian nhất định, tránh để một người phải đảm đương đến suốt đời.

"Nên chăng có kế hoạch cho giáo viên kiêm nhiệm tổng phụ trách đội trong 3-5 năm. Sau thời gian đó, đưa người ta về đúng chuyên môn làm giáo viên chính thức. Mình đừng để giáo viên làm công việc này suốt đời, lớn tuổi không thể làm được", ông Đạo phân tích.

Quận Bình Thạnh cũng cho biết thời gian qua đã xử lý 5 thông tin phản ánh dạy thêm học thêm qua đường dây nóng và cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, dạy thêm học thêm là nhu cầu có thực của người học, phụ huynh. Vấn đề là cần đảm bảo giáo viên phải dạy hết trách nhiệm khi ở trường.

Bà Phạm Thị Thuý, Hiệu trưởng THCS Điện Biên cho rằng, việc quản lý giáo viên dạy ở trên lớp như thế nào rất quan trọng. Yêu cầu đầu tiên là từ cơ sở, tức là hiệu trưởng phải sâu sát vấn đề, trước tiên cần sinh hoạt cơ sở pháp lý, kế tiếp là sinh hoạt đến giáo viên nhất là tuyên truyền. “ Làm tốt tuyên truyền chúng ta sẽ làm tốt vấn đề dạy thêm học thêm", bà Thủy nhận định,

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hoá-Xã hội HĐND TP tại buổi làm việc với Quận Bình Thạnh về các vấn đề giáo dục

Ngoài ra, Quận Bình Thạnh cũng nêu những bất cập từ quyết định 03 khi giáo viên chuyển công tác phải thi tuyển lại và xếp bậc lương như người mới vào ngành; khó khăn về quy định các vị trí việc làm ở trường mầm non công lập; lo lắng không đảm bảo lớp học 2 buổi cho khối tiểu học khi áp dụng chương trình giáo dục tổng thể mới, khi mà hiện nay tỷ lệ này ở học sinh tiểu học của quận chỉ đạt khoảng 80%.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hoá- Xã hội HĐND TP khẳng định thành phố cấm hoạt động dạy thêm học thêm tràn lan nhưng không cứng nhắc bởi đây là nhu cầu có thực của phụ huynh, học sinh. Bà Nhung đánh giá cao hoạt động giáo dục của Quận, đồng thời yêu cầu quận Bình Thạnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạn chế tình trạng điểm trường lẻ, đáp ứng tốt  yêu cầu học tập của học sinh.