Quản lý dạy thêm học thêm: Câu chuyện nhiều nước mắt

(VOH) - Có lẽ là trong các cuộc khảo sát, làm việc về các vấn đề kinh tế xã hội, chưa có cuộc khảo sát nào lại lấy đi nhiều nước mắt, nhiều tâm tư cũng như nhiều trăn trở của giáo viên như các buổi làm việc về cấm dạy thêm, học thêm trong thời gian qua.

Nước mắt của lòng tự trọng, của uy tín nghề nghiệp bị tác động, đánh đồng, khi dư luận xã hội bức xúc trước những ảnh hưởng xấu của một hiện trạng giáo dục đã diễn ra trong suốt những năm qua: dạy thêm- học thêm.

Khi dạy thêm bị biến tướng

Bản chất dạy thêm học thêm xuất phát từ tinh thần hiếu học, từ nhu cầu được lĩnh hội, phụ đạo hoặc bồi dưỡng thêm kiến thức tuỳ theo năng lực nhận thức của học sinh. Thực hiện theo cách làm này, dạy thêm hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực, đóng góp vào sự phát triển chung của nền giáo dục thành phố.

Học thêm bắt nguồn từ nhu cầu người học hay nhu cầu người dạy vẫn là câu hỏi khó (Ảnh minh họa: Internet)

Tuy nhiên, những năm qua việc dạy thêm học thêm được tổ chức tràn lan và nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực khi mà cách làm này không còn xuất phát từ nhu cầu người học, mà lại bắt nguồn từ nhu cầu người dạy.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, chỉ có khoảng 10% hoạt động dạy thêm. học thêm "biến tướng". 10% là con số không nhiều với một vài số liệu thống kê, nhưng xét trên tỷ lệ người dạy người học, cứ 10 giáo viên dạy thêm thì có 1 trường hợp o ép, biến tướng, hay cứ 10 học sinh đi học thêm sẽ có 1 học sinh phải đi học vì sức ép nào đó.

Tỷ lệ đó là không nhiều nhưng tác động và hiệu ứng đám đông đã tạo nên sức lan toả, làm cho phụ huynh không an tâm, học sinh phải cuống cuồng đi học cho bằng bạn bằng bè.

Trong kết quả khảo sát đo chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công, 52% người dân có con học tiểu học công lập cho rằng giáo viên không công bằng đối với con em không đi học thêm. Điều này cho thấy cảm nhận và nhận thức của người dân đối với vấn đề có ít nhiều tiêu cực. Và việc dạy thêm học thêm theo chiều hướng này chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều bức xúc trong phụ huynh học sinh, thậm chí đặt ra những vấn đề về hiệu quả giáo dục.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, phường 15, quận Bình Thạnh, có 2 con đang đi học, băn khoăn: "Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của TPHCM chưa bao giờ nằm trong danh sách 3 địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất cả nước nhưng học sinh lại phải đi học thêm rất nhiều, gần như nhiều nhất cả nước. Phải chăng là do học sinh chúng ta không có khả năng tự học ở nhà".

Thực tế, năng lực tự học chính là yếu tố quan trọng để con người tiếp tục hội nhập trong thế giới nghề nghiệp, thế giới khách quan, cũng như tiếp thu, nghiên cứu sáng tạo những giải pháp mới phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, việc đi học thêm quá nhiều, đi học vì sự ép buộc vô hình nào đó, sẽ khiến các em mệt mỏi, không còn hứng thú với việc học tập nghiên cứu, thậm chí sợ học, xem hoàn tất việc học như trả xong món nợ cho gia đình, nhà trường.

Chấn chỉnh sao cho hợp lý?

Quản lý chấn chỉnh việc dạy thêm học thêm được đặt ra nhằm hướng tới một môi trường học tập lành mạnh, phát huy tốt nhất khả năng, đồng thời hướng đến sự phát triển một cách toàn diện của học sinh.

Tuy nhiên, quản lý như thế nào để có thể đảm bảo được nhu cầu học tập của người học, giữ gìn truyền thống hiếu học của dân tộc cũng như uy tín của người thầy, nhưng vẫn chắc rằng chấm dứt hoàn toàn hiện tượng dạy thêm học thêm mang đến những tác động tiêu cực. Điều này thực sự rất cần thiết.

Bà Nguyễn Việt Tú, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh, mong muốn: “Rất nhiều thầy cô vô cùng tâm huyết, và việc dạy thêm học thêm chỉ là bổ sung kiến thức cho các em, là nhu cầu của phụ huynh. Thầy cô đó dạy tốt, phụ huynh mong muốn con em được học. Đó là những thầy cô khác xa với những người làm giáo dục mà ảnh hưởng đến ngành. Chúng ta cần có sự phân biệt rõ".

Thực tế, nhiều giải pháp đã được đề ra, cả trước mắt lẫn lâu dài, trên bình diện xem xét quyền lợi của học sinh và cả giáo viên. Cụ thể, thành phố luôn ưu tiên ngân sách đầu tư điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức học 2 buổi ngày, kéo giảm sĩ số lớp học, nhằm giảm áp lực trường lớp lên chất lượng dạy học. Bên cạnh đó, thành phố đang chỉ đạo thực hiện biên soạn bộ sách giáo khoa mới nhằm tăng thời lượng thực hành giúp học sinh chủ động lĩnh hội tri thức, mà không cần phải đến các lớp học thêm. Ngoài ra, hình thức giao tự chủ cho các trường có điều kiện, chất lượng cao, là giải pháp được quan tâm nhằm nâng cao mức thu nhập của người giáo viên.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT đề xuất: "Học sinh, phụ huynh có thể thoả thuận điều kiện để có chỗ học thật tốt trên mức phí phụ huynh phải đóng đủ để trường hoạt động. Ngân sách để trang trải cho những nơi còn khó khăn, không có điều kiện xã hội hoá. Lúc đó, tổng ngân sách không đổi, nhưng số đơn vị được hưởng ngân sách ít lại, thì mức thu nhập của giáo viên sẽ khá lên".

Trên thực tế, những giải pháp trên cũng cần một lộ trình nhất định để thực hiện, nhưng việc ngăn chặn những tác động xấu của việc dạy thêm học thêm lại cần phải chấn chỉnh kịp thời. Vì vậy, mới đây, Thường trực Thành uỷ vừa có kết luận về việc quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn thành phố. Trong đó, khẳng định cho phép các trường được dạy thêm nhưng phải dựa trên sự tự nguyện của học sinh.

Các trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ, học lực, trình độ của học sinh, tạo điều kiện cho các em chọn giáo viên theo học, phân bổ thời gian hợp lý. Hiệu trưởng sẽ là người quyết định, chịu trách nhiệm về danh sách lớp, nội dung, chương trình giảng dạy. Đồng thời, yêu cầu nhanh chóng hoàn tất lộ trình chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan tiêu cực, cũng như quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm ngoài nhà trường.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP khẳng định, trên hết, phải vì sự phát triển toàn diện cho học sinh: "Vấn đề hiện nay là học sinh đang phải học rất nhiều, cho nên thiếu thời gian để vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động tập thể, cũng như học tập các vấn đề liên quan đến cuộc sống để phát triển một cách toàn diện. Cần phải chung sức đạt được mục tiêu phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất năng lực công dân cho con em chúng ta. Đây mới là điều đáng quan tâm hơn cả".