Quỹ học bổng từ tâm huyết của cô giáo trẻ

(VOH) - Sáng tạo trong chuyên môn, đồng cảm chia sẻ yêu thương với những hoàn cảnh học sinh khó khăn là hình ảnh về cô giáo trẻ Lương Thị Minh Nguyệt, Giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Hiệp Bình.

Hình ảnh cô giáo trẻ bắt đầu đến với chúng tôi từ những câu chuyện kể của các em học trò ở vùng ven phường Hiệp Bình Phước, Quận Thủ Đức, rằng nhờ cô các em mới theo đuổi được việc học, cô dạy các em từ những điều giản đơn nhất trong cuộc sống.

Xuất thân là trẻ mồ côi nên cô giáo trẻ rất hiểu nỗi cơ cực thiếu thốn cả tình cảm lẫn vật chất của các em học sinh rơi vào hoàn cảnh không thuận lợi. Trong khi trường THPT Hiệp Bình, Phường Hiệp Bình Phước, Quận Thủ Đức lại là một trường vùng ven, đa phần học sinh là con em người nhập cư. Tất bật với việc mưu sinh, với hoàn cảnh thiếu thốn, không ít phụ huynh phải lên trường xin cho con em nghỉ học. Mỗi hoàn cảnh là một nỗi xót xa, là sự day dứt không yên với những người tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Không đành lòng nhìn những số phận học trò phải rời trường sớm, cô giáo trẻ đã nhen nhóm ý định thành lập một quỹ học bổng khuyến học để giúp đỡ kịp thời các hoàn cảnh học sinh này.

Cô cho biết quyết tâm tạo quỹ học bổng cho học trò. Khi trao học bổng, cô đều chứng minh để tập thể thấy được quỹ được sử dụng đúng người, đúng việc, đúng chỗ.   

Cô Minh Nguyệt vốn được các thế hệ học trò quý mến vì tận tâm với nghề, thì nay lại càng thuận lợi hơn khi chia sẻ nguyện vọng xây dựng một quỹ học bổng thiết thực và đầy tính nhân văn này. Ủng hộ quỹ học bổng, các lứa học sinh về họp lớp tự thiết kế chương trình họp mặt một cách tiết kiệm nhất. Cùng số tiền đóng góp cho buổi họp mặt, các bạn cựu học sinh tự chọn những món ăn đơn giản, hạn chế các thức uống đắt tiền... để phần chi phí ấy được sử dụng vào mục đích ý nghĩa hơn, cần kíp hơn cho các thế hệ học sinh đàn em.

Ngoài ra, nguồn quỹ còn nhận được sự hỗ trợ một cách tự nguyện của không ít phụ huynh quan tâm. Họ đóng góp thông qua hình thức gián tiếp ủng hộ hoặc trực tiếp trao tận tay gia đình học sinh khó khăn. Ngay chính bản thân cô, không dừng ở việc vận động, hàng tháng cô vẫn giành một phần tiền nhỏ, đóng góp đều đặn vào quỹ.

Từ những tình cảm, sẻ chia chân thành đó, năm học vừa qua, quỹ khuyến học của cô giáo Minh Nguyệt đã giúp cho 3 trường hợp học sinh không phải bỏ  học giữa chừng. 2 trường hợp trong đó, đạt học sinh giỏi cuối năm.

Nhớ về thời điểm năm học trước, em Trần Thị Vạn Quỳnh, hiện đang học sinh lớp 12A9, kể lại: ba em vừa mất khi em đang thi tuyển lên lớp 10. Một mình mẹ phải gánh vác chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Mức lương công nhân của mẹ dù gói ghém mấy cũng không thể trang trải đủ cho 4 chị em Quỳnh ăn học. Vì vậy, mặc dù sức học khá tốt, nhưng Quỳnh, khi đó đang học lớp 11, và một người em nữa phải đối mặt với quyết định rất khó khăn là nghỉ học để phụ giúp gia đình. Trong lúc tiến hành thủ tục thôi học, nhà trường và cô Minh Nguyệt đã chủ động liên hệ tìm hiểu nguyện vọng và giúp em được tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ trồng người qua nguồn quỹ khuyến học, cô Minh Nguyệt còn trao cho các em hành trang cần thiết để hướng đến tương lai. Đó chính là vốn ngôn ngữ để hội nhập, là ý thức trách nhiệm với môi trường sống là tổng hợp nhiều kỹ năng được hình thành trong các dự án học tập tiên tiến. Dự án dạy học tích hợp liên môn "Rác ơi đừng lạc lối" được thực hiện với sự tham gia tích cực của học sinh trong lớp chủ nhiệm đã dần lan toả ra nhiều khối lớp.

Theo dự án, các em chia thành từng nhóm thực hiện các công việc: tái chế rác thải thành những vật dụng hữu ích, thiết kế poster tuyên truyền, trồng cây kiểng để tạo mảng xanh... Ngoài ra, kiến thức học sinh lĩnh hội được qua hình thức dạy học dự án còn được lồng ghép qua việc thực hiện các nhiệm vụ. Trong vai nhà khoa học nghiên cứu xử lý chất thải, các em nắm vững hơn những kiến thức Hoá- Lý. Những kiến thức, kỹ năng xã hội cũng được các em tích hợp  qua vai trò nhà báo viết phóng sự về về môi trường. Và đặc biệt những vai diễn, hoạt động của các em đều phải sử dụng tiếng Anh, ngôn ngữ chính của tiết học. Vì vậy, không chỉ làm thay đổi nhận thức tình cảm của học sinh mà hình thành được cho các em nhiều kỹ năng cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường THPT Hiệp Bình ghi nhận:"Cô Minh Nguyệt có nhiều đổi mới trong phương pháp, tạo tác dụng tích cực đến hiệu quả giáo dục đào tạo của nhà trường, dạy dỗ học sinh bằng phương pháp dự án. Trong tương lai, tôi cho rằng cô còn phát triển nhiều hơn nữa. Dạy học theo dự án từ chỗ cô Minh Nguyệt đã lan toả ra các bộ môn khác" .   

Từ những tâm huyết với nghề với người, trong năm học vừa qua, cô Minh Nguyệt là 1 trong 3 cá nhân tiêu biểu, của ngành giáo dục thành phố, được tuyên dương trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những nỗ lực đóng góp của cô không chỉ tạo chuyển biến ngay trong tiết học, lớp học của mình mà đã và đang tiếp tục lan toả, mang đến cho cho đời thêm nhiều hoa thơm trái ngọt.