Thi THPT quốc gia 2018: Tránh lỗi sai mất điểm khi làm bài thi trắc nghiệm

(VOH) - Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, khoảng 1% tổng số thí sinh mắc các lỗi ảnh hưởng đến quy trình chấm bài thi trắc nghiệm THPT quốc gia.

Những lỗi “không đáng” này có thể tránh được nếu thí sinh chú ý khi làm bài thi THPT quốc gia.

- Không tô số báo danh (SBD); tô nhầm dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến phần mềm chấm thi không thể nhận biết được. Thậm chí có trường hợp xấu nhất là một thí sinh có dự thi tô nhầm thành SBD của thí sinh vắng thi.

- Không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào.

- Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại.

Một số thí sinh khi làm bài thi trắc nghiệm không tẩy sạch đáp án cũ khi quyết định thay đổi đáp án khác. Khi đưa bài thi vào máy tính để chấm điểm thì máy sẽ tự động hiểu là có hai đáp án nên không có điểm. Do đó, thí sinh nên dùng bút chì để tô đáp án, tô đủ đậm và tô vừa khít với ô đáp án.

Trên phiếu trả lời trắc nghiệm, tuyệt đối không dùng hai màu mực, không gạch chéo hoặc chỉ đánh dấu vào ô đáp án hoặc đánh ký hiệu riêng, như thế sẽ phạm quy và không được chấm điểm.

thi trắc nghiệm, đánh dấu bài, chấm thi

Thí sinh cần lưu ý để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của mình và hạn chế những khó khăn quy trình chấm thi. (Ảnh: TTO)

Theo Bộ Giáo dục Đào tạo, các trường hợp này, phần mềm của Bộ GD-ĐT sẽ phải phát hiện tất cả các lỗi, cán bộ chấm thi phải sửa hết các lỗi để có thể chấm bài thi tự động.

Kết quả sửa cũng được lưu lại, cùng với biên bản sửa lỗi để báo cáo Bộ GD-ĐT.