Thiếu doanh nghiệp, trường đại học khó đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao

(VOH) - Phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế được đặt ra khi ngành du lịch được trao vị trí quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành kinh tế mũi nhọn.

Đây là thách thức cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch lữ hành cũng như các hệ thống trường đào tạo những ngành học này. Đặc biệt, nếu người học lĩnh vực này thiếu môi trường thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động, đòi hỏi sự liên kết mang tính bài bản giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Vấn đề được đặt ra tại Hội thảo khoa học quốc tế Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế do Vụ Đào tạo – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường Đại học Văn Hiến tổ chức sáng nay 2/8. 

Hiện nay, cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo du lịch và tham gia giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn, gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp.

Tiến sĩ Trần Văn Thông, Trưởng khoa Khoa quản trị du lịch khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM nhắc lại, đối với đào tạo du lịch hiện đã được trao cho cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, khi đi sâu vào việc xây dựng chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù đối với ngành này, các trường rất lúng túng với việc, trường đào tạo theo mô hình đặc thù sẽ đào tạo theo hướng nào, trong khi kỳ vọng đặt ra là hướng đến đào tạo với tỷ trọng lý thuyết 50%, thực hành 50%, ông cho rằng rất khó:

“Nếu cơ chế tài chính cho phép, các trường xây dựng được một vài mô hình mô phỏng như: buồng, bếp, bar…. rất đơn giản. Thứ hai là việc đi thực tập thực tế, chúng tôi đã liên hệ rất nhiều doanh nghiệp, phải nói rằng rất khó khăn, họ đón nhận sinh viên những số lượng ít.

Vậy thì làm sao tăng được hàm lượng 50% thực hành. Do đó, nên chăng trong cơ chế đào tạo, đừng tách ra hai bên và đối lập với nhau, trường thì cứ nai lưng đào tạo, còn thực tế doanh nghiệp đón nhận một cách mờ nhạt sản phẩm mình đào tạo ra. Bây giờ, hai bên nên xích lại gần và có cơ chế cho từng địa phương”

Sinh viên Khoa Du lịch Trường ĐH Văn Hiến thực tập tại doanh nghiệp

Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với doanh nghiệp, Thạc sĩ Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho hay, cở sở đào tạo nào về du lịch cũng phải xây dựng mô hình gần với thực tế. Đơn cử hầu hết các trường thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chuyên đào tạo về du lịch phần lớn là có các khách sạn, nhà hàng để thực hành. Đây là môi trường để sinh viên thực tập, thực hành trước khi ra môi trường thực tế bên ngoài.

Mặt khác, cần thẳng thắn thừa nhận, với doanh nghiệp mục tiêu chính là lợi nhuận: “Hiện nay, chưa có cơ chế hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường. Chúng tôi cũng kết hợp với một số khách sạn, một số công ty du lịch để tham gia vào một số phần việc để cho sinh viên trải nghiệm với môi trường doanh nghiệp”  

Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, được hiểu là những người lao động có trí tuệ cao, có trình độ tay nghề giỏi, có phẩm chất, được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức và kỹ năng hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu mới của ngành du lịch để hội nhập với ngành du lịch của các nước trên thế giới.

Ông Vũ Quang Chính - Tổng Giám đốc điều hành công ty cổ phần phát triển Hùng Hậu bày tỏ: “Tôi mong muốn sau buổi hội thảo khoa học quốc tế này, trường Đại học Văn Hiến sẽ phải đầu tư nhiều hơn nữa để nâng tầm chất lượng đào tạo, tiệm cận xu hướng đào tạo hiện đại như hiện nay, xây dựng và đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp của thị trường đồng thời hài hòa giữa người học và nhà trường”

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong quá trình phát triển du lịch, vai trò của nguồn nhân lực vô cùng quan trọng. Trong đó, Bộ này phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã ban hành những chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 – tầm nhìn 2030; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

Đáng nói, quy hoạch phát triển nhân lực du lịch giai đoạn 2011 – 2020 đã được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian qua: “Hệ thống chuẩn đầu ra, kỹ năng nghề quốc gia đang được triển khai xây dựng hoàn thiện để áp dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên từ thực tiễn cho thấy còn những vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ nhằm thúc đẩy nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch trong bối cảnh hiện  nay”

Theo Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Còn theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch với tốc độ tăng trưởng là 6,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015, đến hết năm 2015, nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp như hướng dẫn viên du lịch, lễ tân…trong ngành ước tính cần 620.000 người. Đến năm 2020 nhu cầu nhân lực của ngành du lịch tăng lên khoảng 870.000 lao động trực tiếp./.