Thiếu kiến thức về sở hữu trí tuệ, sinh viên vô tư vi phạm         

(VOH) - Tại cuộc thi Bản quyền và Sáng tạo dành cho sinh viên các trường đại học phía Nam diễn ra sáng 10/11, các đội thi đã tranh tài sôi nổi thông qua 4 phần thi.

Các sinh viên đã cùng chia sẻ những thực trạng về việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong trường đại học, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan. Đây là chương trình do Cục Bản quyền Tác giả, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức.

cuộc thi Bản quyền và Sáng tạo dành cho sinh viên các trường đại học phía Nam

Trao giải cuộc thi Bản quyền và Sáng tạo dành cho sinh viên các trường đại học phía Nam

Chương trình gồm các vòng thi kiến thức pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan và các tiết mục nghệ thuật của các đội chơi. Đó là ba đội: Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, Trường Đại học Luật TPHCM. Trải qua 4 phần thi chính: Chúng tôi là ai; Chúng tôi hiểu biết; Chúng tôi sáng tạo; Tài năng hùng biện. Kết quả chung cuộc, giải nhất thuộc về Trường Đại học Luật TPHCM.

Qua mỗi vòng thi, các thí sinh đã thể hiện sự hiểu biết về vấn đề sở hữu trí tuệ, về quyền tác giả, quyền liên quan. Thực trạng nhận thức sinh viên về vấn đề này cũng đã phần nào được thể hiện từ các phần thi của thí sinh.

“Tất cả các sinh viên đều gặp phải vấn đề, ví dụ như các bạn thường xuyên photocopy các tác phẩm để các bạn đọc. Khi các bạn viết khóa luận hay nghiên cứu khoa học, các bạn thường không ghi nguồn, không trích dẫn ý từ trong những tiểu luận trước đó. Do đó, vấn đề liên quan đế bản quyền rất phổ biến trong sinh viên. Vì vậy, em xin đề xuất nhà trường sử dụng những phần mềm để kiểm tra việc sao chép văn bản, mỗi khi các bạn làm khóa luận” – một sinh viên cho biết.

Một sinh viên khác đề xuất: “Chúng ta nên hình thành một cơ quan có thể thực thi. Cơ quan này có thể giám sát và thực hiện các hoạt động, hành vi vi phạm, từ đó đưa ra các mức xử lý phù hợp. Hiện nay, em nhận thấy mức xử phạt về xâm phạm bản quyền, quyền tác giả hiện nay thì còn khá thấp. Chúng ta cần nâng mức phạt này lên để tạo sự răn đe cho mọi người”

Sinh viên trao đổi về sở hữu trí tuệ. 

Có thể thấy hiện nay phần lớn sinh viên vẫn chưa nhận thức đúng về vấn đề sở hữu trí tuệ. Có một thực tế, đó là sinh viên sao chép tài liệu, giáo trình tràn lan, nhưng lại không cho rằng hành vi của mình là xâm phạm tài sản trí tuệ của người khác. Vì vậy, sinh viên Nguyễn Anh Nhật Thiên Vi, Khoa Luật, trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, cần xây dựng hệ thống nền tảng kiến thức về vấn đề này, khi sinh viên hiểu luật thì sẽ không phạm luật.

Nhìn nhận vấn đề sinh viên với việc sở hữu trí tuệ trong trường đại học, ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng phòng Thông tin và hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền Tác giả cũng cho rằng, đây là vấn đề chung của toàn xã hội, chứ không chỉ riêng đối tượng người học mới cần nâng cao nhận thức.

 “Không chỉ sinh viên mà cả các đối tượng trong xã hội, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về vấn đề này chưa cao. Chính vì vậy, đó là một trong những lý do để Cục Bản quyền Tác giả có những chương trình, đề án để làm sao nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho các đối tượng trong toàn xã hội” - ông Phạm Thanh Tùng cho biết.

Chỉ khoảng 40% giảng viên đủ chuẩn giảng dạy bằng tiếng Anh - Hiện tỷ lệ sinh viên Việt Nam giỏi tiếng anh chỉ khoảng 20%. Tỷ lệ này đối với giảng viên khoảng 40% đủ chuẩn.

 

Việt Nam được trao 4 giải thưởng công nghệ thông tin quốc tế - 4 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được vinh danh tại Giải thưởng Giải thưởng ASOCIO 2018 gồm: Bộ Tài chính, UBND tỉnh Quảng Ninh, Công ty CP MISA và Đại học FPT.