Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao năm nhiệm vụ cho ĐHQG TPHCM

(VOH) - Ngày 20/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương đã có buổi làm việc với ĐHQG TPHCM với mục đích lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của đơn vị này trong việc xây dựng Khu đô thị ĐHQG TPHCM.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan cơ sở vật chất của trường ĐHQG TPHCM

Kiến nghị Thủ tướng hai vấn đề

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt – Phó Giám đốc thường trực ĐHQG TPHCM cho hay, ĐHQG TPHCM được xây dựng theo mô hình đô thị khoa học hiện đại đầu tiên của cả nước trên diện tích hơn 600 ha, tại khu quy hoạch Thủ Đức – Bình Dương. Tính đến năm 2016, diện tích đã giải phóng mặt bằng và được nhận bàn giao là hơn 470 ha, đạt 73%. Những khó khăn trong công tác xây dựng khu đô thị này, ông Đạt cho biết có ba vấn đề, đó là chưa hoàn thành khu tái định cư; chính sách giá đền bù không ổn định, thay đổi theo thời gian; giá đất ngày càng tăng dẫn đến khiếu kiện ngày càng nhiều do có chênh lệch về giá đất. Trong khi đó, mục tiêu đến hết năm 2018, phải hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho các đơn vị để thực hiện dự án.

Vì vậy, ĐHQG TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hai vấn đề lớn, theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, đó là bố trí kịp thời nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo kế hoạch trung hạn. Chỉ đạo TPHCM và tỉnh Bình Dương tiếp tục hỗ trợ cho vay vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng với mức cho vay cao hơn trước đây. Cho phép ĐHQG TPHCM được vay vốn ngân hàng để chi trả cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kịp theo nhu cầu của người dân, và cho phép ĐHQG được đưa phần chi phí lãi vay vào trong tổng mức đầu tư của dự án. Đồng thời, ĐHQG kiến nghị cho thực hiện một số cơ chế tài chính đặc thù.

“ĐHQG TPHCM xin được ưu tiên vay vốn từ các nguồn vốn kích cầu của 2 địa phương. Hình thức này ĐHQG TPHCM cũng đã thực hiện. Sắp tới, ĐHQG TPHCM với phương thức như thế này, có thể cho mức vay nhiều hơn. Nếu được, đây cũng là một dạng tự chủ, xã hội hoá. ĐHQG sẽ có phương án để trả vốn, còn TP hỗ trợ lãi vay”, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt nói.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để ĐHQG phát triển

Giải trình nội dung liên quan đến địa phương, ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương tập trung quyết liệt cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho ĐHQG TPHCM. Khó khăn hiện nay là do sự chênh lệch mức giá đền bù trong khi dự án kéo dài nhiều năm, nên đã xảy ra việc khiếu kiện. Do đó, tỉnh sẽ cố gắng vận động để tiến hành việc bồi thường để bàn giao cho ĐHQG TPHCM.

Về phía TPHCM, ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP cũng cho hay: “TP có chương trình kích cầu đầu tư bằng các nguồn của TP bù lãi suất. Tôi đề nghị ĐHQG TPHCM có đề án cụ thể để TP xem xét. Đối với những dự án này, không phải dưới 100 tỷ mà 200-300 tỷ TP cũng sẵn sàng ký. Lãnh đạo TP qua các thời kỳ đều hết sức quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để ĐHQG đầu tư và đi vào phát triển chiều sâu. ĐHQG phát triển cũng góp phần cho TP phát triển”.

Tại buổi làm việc, hầu hết lãnh đạo các Bộ ngành đều cơ bản ủng hộ và thống nhất hai kiến nghị lớn của ĐHQG TPHCM, nhất là việc cho ĐHQG TPHCM thực hiện một số cơ chế tài chính đặc thù như: ưu tiên được vay vốn kích cầu của TPHCM và Bình Dương, các nguồn vốn xã hội hoá; đặc biệt là được phép chỉ định nhà đầu tư theo hình thức BT (là hình thức xây dựng – chuyển giao). Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị ĐHQG TPHCM cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể cho từng dự án. 

Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng (Quốc hội), đã đến lúc VN cần có thương hiệu Đại học quốc gia thật sự. Muốn được như vậy thì một trường đại học phải có chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội, xây dựng cơ sở vật chất xứng tầm thương hiệu. Cụ thể, cơ chế tự chủ - tự chủ toàn diện chính là cái “lõi” đi lên chứ không chỉ là tự chủ về mặt tài chính.

PGS.TS Phan Thanh Bình đề nghị: “Hiện nay việc đền bù giải toả là chuyện lớn của ĐHQG TPHCM. Trong hơn 600 ha thì có 10% chưa giải toả được. Trong đó 500 ha của Bình Dương, 90% đã giải toả xong. Trong khi TPHCM hơn 120 ha nhưng hầu như còn 90% chưa giải toả được. Trong 10% làm được là 60 ha đó, theo báo cáo của ĐHQG là cần 2.000 tỷ. Tôi nghĩ nếu nghĩ chúng ta xem giáo dục là quốc sách, ta sẽ tìm ra được lời giải cho 2.000 tỷ này. Tôi đề nghị với Thủ tướng, 2000 tỷ này ta chia 400 tỷ/năm, bằng nhiều hình thức: mượn, tạm ứng, trái phiếu”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Tháo gỡ các vướng mắc

Trước những kiến nghị của ĐHQG TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hai địa phương là TPHCM và Bình Dương cần có chính sách hỗ trợ, sát cánh để ĐHQG TPHCM phát triển, nhất là việc bồi thường giải phóng mặt bằng cần quyết liệt thực hiện. Nếu địa phương muốn nâng cao chất lượng thì phải quan tâm đến chất lượng trường đại học, nhất là trường đại học có tầm cỡ như ĐHQG TPHCM. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ GD-ĐT cần tháo gỡ nhanh các vướng mắc để ĐHQG phát triển, rà soát tháo gỡ các vướng mắc, thúc đầy quyền tự chủ.

Thủ tướng giao năm nhiệm vụ cụ thể cho ĐHQG TPHCM, đó là: “Đầu tiên, tôi đề nghị với ĐHQG đó là chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học phải tiếp tục được nâng lên. Nhiệm vụ thứ hai là đẩy nhanh xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trước hết là phải giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, cần phải có phương án đền bù giải phóng mặt bằng hết sức cụ thể, phải cử cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, tài ba kết hợp cả pháp luật, dân vận trong vấn đề này. Thứ tư là xã hội hoá mạnh mẽ nguồn lực. Thứ năm là tự chủ đại học một cách đúng nghĩa, đầy đủ trong quá trình triển khai”.

Về việc thu hút người nước ngoài về nước làm việc và nghiên cứu tại ĐHQG TPHCM, Thủ tướng cũng giao hai địa phương cần tạo điều kiện, có cơ chế đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho địa phương.

Thủ tướng cũng đặt ra cơ chế riêng cho TP, đó là nếu như có đề tài báo cáo khoa học được tổ chức ISI đánh giá tốt, Chính phủ sẽ tài trợ 500 đô la Mỹ/1 bài. Đồng thời tài trợ cho ít nhất 20 ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên có sản phẩm hay, dịch vụ cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, Thủ tướng “hứa” sẽ tìm nguồn để hỗ trợ một trung tâm văn hoá cho ĐHQG TPHCM giống như cách làm của ĐHQG Hà Nội, tương đương trên 20 tỷ đồng.