Tiếp tục lấy ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi

(VOH) -  Theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, có nhiều vấn đề cần được thảo luận và hiến kế của các chuyên gia.

Sáng 21/8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị Góp ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Cùng vấn đề này, hội nghị lấy ý kiến sẽ được tiếp tục tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24/08 tới, nhằm lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện Luật.

Chia sẻ nguyên nhân tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, điểm đặc biệt của Luật Giáo dục sửa đổi đó là sẽ trình trong ba kỳ họp Quốc hội. Ở kỳ họp vừa qua là lần thứ nhất, Dự thảo Luật này sẽ tiếp tục được thảo luận ở kỳ họp vào tháng 10 tới và sẽ thông qua vào kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 năm sau.

Ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh, hiện đang trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đất nước đang trong giai đoạn chuyển đổi nên chúng ta phải nhìn giáo dục một cách toàn diện.

Bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Hội nghị.

Bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Hội nghị.

Theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban này, có nhiều vấn đề cần được thảo luận và hiến kế của các chuyên gia: “Thời gian học tập của học sinh phổ thông, chúng ta có nên bố trí phải học ngày cuối tuần ở các trường phổ thông hay không, áp lực của các em trong việc học tập. Về chính sách đối với giáo viên, tôi đề nghị nghiên cứu về định mức, số lượng giáo viên, tỷ lệ giáo viên trên học sinh, tỷ lệ giáo viên trên lớp….để đề xuất với Chính phủ sao cho phù hợp.”

Bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, góp ý về chính sách, định mức đối với giáo viên, trước đây có những văn bản dưới luật quy định gây khó khăn. Hiện nay, theo xu thế xã hội phát triển, chất lượng giáo dục đòi hỏi phải được nâng lên. Tuy nhiên, theo bà hiện nay định mức học sinh tiểu học, trung học cơ sở và thậm chí có cả bậc trung học phổ thông đều cao hơn so với định mức quy định, khiến cho người giáo viên rất áp lực.

“Trong giai đoạn hiện nay, số lượng học sinh phổ thông đang có chiều hướng ổn định thì nên giãn ra, làm sao cho tỷ lệ học sinh phổ thông trên lớp ít hơn. Người giáo viên có đủ điều kiện, thời gian vừa làm công tác giáo dục, vừa làm công tác giáo dưỡng học sinh, dạy dỗ học sinh cho tốt hơn. Tôi đề nghị trong Luật lần này nên tính toán cụ thể về định mức trên giáo viên tốt hơn”, bà Thu Hà đề xuất.

Buổi chiều, hội nghị tiếp tục thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.