Tuyển sinh 2018: Chọn ngành, chọn trường đại học sao cho phù hợp?

(VOH) - Chọn trường đại học, chọn ngành học vốn không phải là điều đơn giản đối với nhiều học sinh sắp tốt nghiệp trung học.

Có thể nói chưa khi nào cơ hội trúng tuyển vào đại học lại nhiều như hiện nay. Tuy nhiên, thống kê gần đây cho thấy, tình trạng sinh viên không thể tốt nghiệp đại học ngày càng nhiều. Số lượng sinh viên bị buộc thôi học ở một số trường đại học có khi lên tới hàng trăm người mỗi năm.  

Điều này cho thấy, việc chọn đúng ngành, đúng trường ngay khi đăng kí xét tuyển đại học là vô cùng quan trọng. Nếu chọn sai, sinh viên không chỉ mất nhiều thời gian tuổi trẻ với những môn học buồn chán mà còn gặp khó khăn để phát triển sự nghiệp bản thân mình.

Do đó, ngay từ khi chọn trường cần cân nhắc những yếu tố sau đây:

Chọn trường phù hợp với sở thích

Chọn ngành học nào, chọn trường đại học nào để đăng ký xét tuyển luôn là điều khiến nhiều thí sinh, phụ huynh bối rối trong các mùa tuyển sinh. Thực tế, việc chọn học ngành gì phải dựa vào nhiều yếu tố, đặc biệt là cần dựa vào sở thích, sở trường và mong muốn của thí sinh.

phương thức tuyển sinh, chọn ngành, chọn trường

Thí sinh nên chọn ngành học phù hợp với sở thích và sở trường cá nhân (Ảnh: LH)

Mỗi người có một tính cách, sở thích và sở trường riêng, do đó, việc chọn ngành học nên bắt đầu từ sở thích của bản thân học sinh. Khi học ngành mà mình yêu thích, học sinh sẽ có hứng thú, đam mê học tập, vượt qua khó khăn trong quá trình học tập. Ngoài ra, học sinh sẽ năng động hơn trong việc học hỏi, sẵn sàng tìm tòi.

Đành rằng hiện nay, không ít nghề dường như đã bão hòa về nhu cầu nhân lực nhưng nếu một học sinh yêu thích ngành mình học, học giỏi và kĩ năng tốt thì sẽ có nhiều doanh nghiệp mong muốn chiêu dụ và tuyển dụng.

Nếu trường, ngành mà mình yêu thích có điểm chuẩn cao hơn khả năng thì học sinh có thể lựa chọn ngành nghề tương tự tại các trường khác có điểm chuẩn thấp hơn. Ngoài ra, học sinh cũng có thể liệt kê các ngành mình thích để lựa chọn được ngành phù hợp nhất với điểm xét tuyển phù hợp nhất với năng lực của mình.

Chọn đúng ngành học đóng vai trò quan trọng không chỉ với việc học tập mà còn là tiền đề để phát triển sự nghiệp tương lai, do đó, khi chọn trường, đừng quên soi xét sở thích của chính mình để có thể đồng hành cùng nghề nghiệp mình chọn một cách lâu dài và thành công.

Chọn trường phù hợp với sở trường, điều kiện bản thân

Chọn trường theo sở thích là ưu tiên hàng đầu nhưng việc chọn trường, chọn ngành còn phụ thuộc vào năng lực, tính cách, thể chất và điều kiện gia đình…

Đây là điều vô cùng quan trọng khi chọn trường vì hiện nay, các trường đại học khá đa dạng và mức học phí cũng ở nhiều mức khác nhau. Việc cân nhắc chọn trường theo điều kiện bản thân là cần thiết để không rơi vào tình trạng hụt hẫng hoặc không đáp ứng đủ điều kiện học tập, học phí của nhà trường.

  • Nếu học giỏi các môn tự nhiên, bạn có thể lựa chọn các ngành học kĩ thuật. Tuy nhiên, nếu là nữ, bạn hãy chọn ngành kĩ thuật không đòi hỏi quá cao về điều kiện sức khỏe và cường độ lao động.
  • Nếu học lực của bạn khá giỏi nhiều năm liên tục, đặc biệt giỏi những môn thuộc khối thi ứng với ngành bạn định dự tuyển, bạn có thể chọn các trường đại học quốc gia, học viện và đại học công lập.
  • Nếu bạn học giỏi nhưng điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bạn có thể đăng ký xét tuyển vào các trường đại học ngành sư phạm, các ngành đào tạo hệ quân đội, công an vì sẽ được miễn học phí hoặc chọn một số trường có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên khó khăn. Ngoài ra, nếu học phí là áp lực lớn, bạn có thể đăng kí học các trường dạy nghề, một số trường hiện miễn phí, trả lương và tạo việc làm cho học viên ngay khi ra trường. Bạn rất nên cân nhắc trường hợp này vì sẽ có thể sớm đi làm và tự lập.
  • Nếu học lực của bạn ở mức trung bình khá thì có thể đăng ký vào các trường cao đẳng có liên thông tiếp tục lên bậc đại học hoặc chọn hệ cao đẳng trong các trường đại học công lập.
  • Nếu học lực của bạn ở mức trung bình, kinh tế gia đình thuận lợi, bạn có thể theo học tại các trường đại học giảng dạy bằng tiếng Anh, trường dân lập... Nhưng cần chú ý, nếu bạn chọn học trường ngoài công lập, bạn phải nỗ lực học tập rất nhiều vì điểm đầu vào các trường này luôn thấp hơn các trường công lập cùng bậc đào tạo. Nếu không nỗ lực thì khi ra trường bạn sẽ khó trở thành những kỹ sư, cử nhân khá giỏi… và khó xin việc làm.
  • Nếu học lực của bạn ở mức trung bình, gia đình không khá giả, bạn nên hướng đến các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề vì đa phần các trường trung cấp chuyên nghiệp không tổ chức thi tuyển, chỉ xét tuyển học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bạn sẽ sớm ra trường và có thể đi làm sớm hơn. Sau khi đi làm bạn vẫn còn cơ hội học tiếp lên cao theo các chương trình đào tạo liên thông, vừa học vừa làm.

Chọn trường mà mình hiểu biết đầy đủ

Tôi chắc rằng, không ít người nhìn lại thời trung học của mình và tiếc nuối về sự lựa chọn của mình. Với những học sinh ít tiếp xúc với thông tin tuyển sinh, việc chọn nghề theo kiểu chơi “xổ số” là phổ biến.

Không ít người chọn ngành học theo kiểu đoán mò: nghề này lạ chắc ít người đăng kí – cơ hội trúng thưởng cao; nghề này bố mẹ thích thì mình đăng ký, sau này tính tiếp…

Điều này dễ dẫn đến việc học sinh bất ngờ khi học, ngạc nhiên về cơ hội làm việc và dễ bỏ ngang vì không đủ năng lực, niềm đam mê để vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập.

Bạn cũng cần nhớ, các ngành y, dược, công nghệ hóa thực phẩm có số lượng thí sinh ít hơn nhưng điểm chuẩn rất cao. Các ngành thuộc nhóm cơ khí, nông lâm, thủy sản… thường có mức điểm vừa phải. Đối với khối C, điểm chuẩn cao nhất thường rơi vào nhóm ngành báo chí, luật thương mại; các ngành sư phạm…

phương thức tuyển sinh, chọn ngành, chọn trường

Cần tìm hiểu trước về cơ sở vật chất nhà trường trước khi đăng kí học (Ảnh: LH)

Trước khi chọn trường hãy tìm hiểu về cơ sở vật chất và chất lượng giảng viên của trường thông qua việc thăm quan trường. Cơ sở vật chất khang trang, đảm bảo sẽ hỗ trợ sinh viên học và thực hành đầy đủ, trong khi đó giảng viên giỏi là yếu tố lớn để có thể quyết định cho tương lai của mình. Bạn cũng cần tìm hiểu thêm về vấn đề về ký túc xá, nơi ở, miễn giảm học phí, vay vốn, học bổng…

Bạn cũng cần tìm hiểu thêm về cơ hội nghề nghiệp của ngành học trước khi đăng kí để tránh trường hợp khó khăn trong quá trình xin việc làm. Và nhớ, hãy đọc phần 4 về một số ngành đang dư thừa lao động.

Không chọn nghề mà xã hội dư thừa lao động hoặc không còn nhu cầu

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp trong quý 4/2017 là 215.300 người.

Nếu không muốn rơi vào danh sách thất nghiệp, hãy cân nhắc kĩ khi chọn trường và né các ngành dưới đây: Ngành Kế toán – Kiểm toán; Tài chính – Ngân hàng; Quản trị kinh doanh; Công nghệ môi trường; Cử nhân lịch sử; Cử nhân tâm lý học; Công nghệ sinh học; Sân khấu điện ảnh; Kỹ sư xây dựng; Khoa học xã hội… vì nhu cầu thị trường đã gần như bão hòa.

Trong khi đó, một số ngành được đánh giá là sẽ khó có cơ hội thất nghiệp đó là nấu ăn; pha chế; quản lý khách sạn; điện-cơ khí; ngoại ngữ; truyền thông, quảng cáo; logistics…