Tuyệt chiêu để thiết kế một cuốn sách đẹp: Dành cho designer nghiệp dư (P2)

(VOH) - Bạn không phải là một designer chuyên nghiệp, đang loay hoay với các ý tưởng thiết kế sách? Những lời khuyên hữu ích về ý tưởng, tư duy thiết kế sẽ giúp bạn thực hiện được giấc mơ của mình.

Nếu như ở phần 1 nhấn mạnh, để đạt được mức độ hoàn hảo trong việc thiết kế sách thì phải luôn tuân thủ quy tắc: hình thức phải đi đôi với nội dung. Ở phần 2, bài viết sẽ đi sâu vào giải pháp, biến tư duy thiết kế thành hiện thực sản phẩm.

BỐ CỤC TRONG VIỆC THIẾT KẾ SÁCH

Bố cục thiết kế được hình thành dựa trên việc bạn lựa chọn và đưa ra quyết định về kích thước trang, kiểu phông chữ, khoảng cách lề và hình ảnh được sử dụng. Phần lớn các designer sẽ tuân thủ một số bố cục nhất định. Cơ bản nhất có thể chia thành 4 loại sau đây:

1. Bố cục theo lưới tay (manuscript grid)

Một hệ thống lưới không gian hình chữ nhật chứa các khối văn bản lớn nhỏ, thường dùng trong trường hợp khối lượng nội dung văn bản lớn. Ví dụ: tiểu luận, khóa luận,…

2. Bố cục theo lưới cột (column grid)

Ưu điểm lớn nhất của việc trình bày này, là có thể kết hợp nhiều loại hình ảnh và chú thích khác nhau, đồng thời việc trình bày các văn bản không nhất thiết phải liên tục liền mạch.

3. Bố cục theo lưới Module (Modular grid)

Một hệ thống lưới theo module (mục) sẽ chia toàn trang theo chiều ngang và chiều dọc. Các modules này sẽ hệ thống hình ảnh cũng như phần text. Đây là hệ thống lưới Module được phổ biến nhờ vào Swiss style - một phong cách thiết kế đồ họa nổi tiếng từ những năm 1940 – 1950 xuất hiện tại Thụy Sĩ và dần trở thành phong cách quốc tế.

4. Bố cục theo lưới cấp bậc (Hierarchical grid)

Đây là loại lưới không theo bất cứ loại lưới nào kể trên. Lưới theo hệ thống cấp bậc được cấu thành bởi những module có khoảng cách khác nhau.

Đôi khi, cấu trúc phức tạp hơn càng đòi hỏi bạn phải vận dụng nhiều kỹ năng hơn. Vì thế, ngay thời điểm này bạn phải chọn cho mình một mạng lưới phù hợp để sử dụng sao cho hợp lý và linh hoạt. Đây cũng là những gì mà Giám đốc nghệ thuật và thiết kế Hanover – Yevgeniy Anfalov muốn chia sẻ đến các bạn.

Có thể nói, các nhà thiết kế Thụy Sĩ là bậc thầy trong việc sử dụng lưới. Marcus Garde đã sáng tạo ra một kỹ thuật tính toán lưới trực tiếp này để tìm ra nguyên lý cơ bản trong bất kỳ dự án thiết kế sách nào. Nó dựa vào phương pháp tính tỷ lệ khi làm việc với các định dạng giấy và kết quả thật bất ngờ khi hai đường ngang và dọc phù hợp lại có thể hoàn hảo trong mọi trường hợp.

Một lần nữa khẳng định, bố cục của bạn chỉ đúng khi nó làm nổi bật ý nghĩa của quyển sách.

"Bạn phải luôn ghi nhớ “tất cả mọi việc bạn làm luôn phụ thuộc vào nội dung” – Mauracher nói. "Đó là lý do không có một chuẩn mực chung nào cho tất cả các loại sách, và mỗi quyển sách là một “giai điệu mới”.

Mặc dù có nhiều loại hệ thống lưới khác nhau, nhưng không có một quy tắc cụ thể nào cho việc chúng phải áp dụng như thế nào. Nó phụ thuộc vào chính bạn. Bất kỳ hệ thống nào giúp bạn hoàn thành thiết kế đều có thể sử dụng được.

Tuy nhiên, đối với các nhà thiết kế như Mauracher hay De Bondt,… họ có một quy tắc khi nói đến quá trình thiết kế và bố trí, đó là “cố gắng không để lãng phí”. Nếu có thể, họ sẽ cố gắng tận dụng hết mọi kích thức của sách để không phải lãng phí giấy. Họ làm như vậy vì cho rằng, đây là đạo đức nghề nghiệp đối với môi trường tự nhiên.

IN SÁCH

Thời gian chỉnh lý thiết kế sẽ trải qua vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Cuối cùng, bạn cũng sẽ đến một giai đoạn quan trọng và khó kiểm soát nhất, đó chính là khâu in ấn. Thật vậy, hầu hết các nhà thiết kế sẽ phải làm việc chặt chẽ với các nhà xuất bản quen thuộc, mối quan hệ này thường đã được tạo nên từ nhiều năm và chỉ có những nhà xuất bản này mới có thể hiểu được yêu cầu của nhà thiết kế.

Việc tạo quan hệ tốt với nhà xuất bản giúp bạn thực sự hiểu cách mà họ làm việc, tạo lợi thế trong việc quản lý số lượng sách bạn tạo ra cũng như biết cách sáng tạo ra một cái gì đó thật độc đáo.

De Bondt nhấn mạnh, mối quan hệ này “cực kỳ quan trọng” bởi nhà xuất bản thường sẽ cho bạn những ý tưởng hay. Chuyên gia cũng chia sẻ: “Đôi khi tôi yêu cầu họ giúp tôi tìm một bài báo, hoặc cố gắng giúp tôi tìm ra giải pháp khi gặp khó khăn. Tôi cũng rất thích đến chỗ làm việc của nhà xuất bản để xem những công việc họ làm, tìm hiểu về các kỹ thuật mà tôi chưa biết. Công nghệ in ấn thì luôn luôn thay đổi”.

Studio Yukiko là người đã tạo ra quyển sách “Home” - cuốn sách bao gồm các bức ảnh của nhiếp ảnh gia Matt Lambert và cũng là ấn phẩm đầu tiên từ ứng dụng hẹn hò đồng giới Grindr. Cuốn sách nổi bật với sự khởi sắc và phức tạp, bao gồm khung màu đen passe partout, vecni tại chỗ, kỹ thuật sản xuất vô cùng đặc biệt và sử dụng văn bản sáng bóng, gần như đánh lừa thị giác.

Kết quả là quyển sách trở nên vô cùng giá trị, một minh chứng cho thấy hiệu quả từ tầm nhìn, các ý tưởng và sự liên kết của nhóm studio. Cuối cùng họ đã vô cùng nổi tiếng.

“Chúng tôi rất biết ơn vì đã có một mối quan hệ tốt với nhà xuất bản, và mỗi khi chúng tôi đưa ra một ý tưởng, chúng tôi đều thảo luận về nó và xem xét những gì thực sự có thể làm được” - người đồng sáng lập Studio Yukiko, Johannes Conrad nói.

MỘT CUỐN SÁCH LÀ MỘT ĐỐI TƯỢNG

Thực tế phần lớn thời gian thiết kế, bạn đều chỉ tập trung trên màn hình. Mà một cuốn sách thì lại là một “tổ hợp” cảm xúc được cài đặt. Do đó, nhà thiết kế chỉ có thể tự tưởng tượng trong đầu khi chỉ ngồi làm việc trước màn hình máy tính, thậm chí, họ còn bị chi phối thêm bởi các yếu tố “ngân sách” và “sự hạn chế” của nhà xuất bản.

Một lời khuyên thẳng thắn từ các chuyên gia đến bạn đó chính là, hãy “tìm cách rời xa màn hình máy tính”. Vì sao vậy? Đôi khi chúng ta cần phải có sự tương tác thật, từ những công việc tưởng chừng như rất thủ công như cắt hay dán,…

Trong qua trình thiết kế trên máy tính, các nhà thiết kế như Anfalov phát hiện ra rằng “việc hiểu sai khi bố trí thiết kế trên màn hình là có thể xảy ra” và điều đó thường dẫn đến các sai lầm nghiêm trọng.

Mauracher cũng là người ủng hộ quan điểm việc tìm kiếm sự tiếp xúc từ bên ngoài cho các ý tưởng: “Tất nhiên tôi lấy cảm hứng từ những cuốn sách khác. Tôi đã đọc rất nhiều và tôi nghĩ điều đó quan trọng, để xem cái nào hiệu quả và cái nào không”.

Như Petrides nói, cách thiết kế sách tốt nhất là không ngừng tò mò. Tích cực khám phá phim ảnh, thời trang, nghệ thuật, âm nhạc và hình minh họa chứ không phải chỉ chăm chăm vô chiếc điện thoại một cách vô nghĩa.

Ông nói. “Bạn càng thấy nhiều, bạn sẽ càng xây dựng cho mình một ngân hàng tham khảo lớn cho chính bản thân trong vai trò là một nhà thiết kế”.