Xây dựng chuẩn lãnh đạo trường đại học

(VOH) - Bộ Giáo dục - Đào tạo lấy ý kiến để chuẩn bị có quy định về chuẩn của lãnh đạo trường đại học.

Sáng nay, 15/9, Học viện Quản lý Giáo dục (Bộ GD-ĐT), tổ chức hội thảo "Xây dựng khung năng lực Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học". 

Hội thảo ghi nhận đóng góp từ đại học phía Nam làm cơ sở Bộ GD&ĐT ban hành quy đinh phù hợp.

Hiện các trường đại học tại Việt Nam đa số là trường đại học công lập, chỉ một số ít trường tư được thành lập gần đây. Bộ GD&ĐT thực hiện vai trò quản lý khung chương trình, kiểm soát chỉ tiêu đào tạo, xây dựng quy chế tuyển sinh.. còn vai trò hội đồng trường chưa xác định rõ. Trong khi đó, cơ chế quản lý các đại học Việt Nam đang trong quá trình thay đổi, khái niệm hội đồng trường cũng có vận động khác trước.

Vì vậy, năng lực của lãnh đạo các trường cần phải được đo bằng những tiêu chuẩn cụ thể. Tuy nhiên trong thực tế, mối quan hệ giữa Chủ tịch Hội đồng trường-Bí thư Đảng uỷ-Hiệu trưởng chưa xác định rõ ràng.

Ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn Lang, cho rằng thực tế có những người có năng lực quản trị nhưng không có bằng cấp học hàm học vị theo quy định. Nếu quy định không phù hợp sẽ là một sự tổn thất: "Trong chuyên môn bằng cấp cao thì tốt.

Tuy nhiên, trong quản lý có người bằng cấp không cao nhưng năng lực quản lý rất tốt. Nếu họ đứng ở vị trí lãnh đạo trường, họ sẽ giúp trường vượt lên. Vậy năng lực này có tính không? Năng lực nên xác định như thế nào? Nếu chúng ta cải cách thì những điều này phải rất cụ thể, nếu không sau này có thể loại nhiều người tài vì không đủ tiêu chuẩn".

PGS.TS Nguyễn Thanh Tân, Trường Đại học Sài Gòn cho rằng, tại các trường đại học công lập, hiệu trưởng nếu không có chuyên môn, rất khó làm tốt quản lý do không nhận được sự tín nhiệm từ hội đồng trường, phòng ban, giảng viên, tổ chức chính trị... "Nếu đưa 1 cử nhân vào làm hiệu trưởng, có thể có kinh nghiệm quản lý cao, được trao quyền lực rất lớn nhưng tiếng nói không được chấp nhận.

Tôi đề nghị, nếu không đòi hỏi quá tuyệt đối uy tín về chuyên môn của hiệu trưởng thì cũng phải yêu cầu hiệu trưởng phải có uy tín về chuyên môn. Nếu chỉ yêu cầu tiêu chuẩn đơn giản là tiến sĩ thôi thì rất khó để hiệu trưởng thực hiện được công việc của mình ở nhà trường", ông Tân đề xuất. 

Theo GS TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, so với thế giới, những người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập Việt Nam phải làm quá nhiều việc. Trong khi các trường đại học trên thế giới, ngoài chức danh hiệu trưởng còn có vị trí CEO-người điều hành cơ sở giáo dục đó.

Ông Hoài phân tích: "Người đứng đầu của một cơ sở giáo dục công lập ở Việt Nam phải làm 2 nội dung quan trọng: vừa mang uy tín để lãnh đạo một cộng đồng học thuật, vừa điều hành trong bối cảnh Việt Nam có khá nhiều công việc đòi hỏi người đứng đầu chịu trách nhiệm. Với bối cảnh đó, việc xây dựng khung năng lực cho người đứng đầu cơ sở giáo dục là cần thiết".

GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục phát biểu tại hội nghị

GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục lý giải, thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục đào tạo, ngành giáo dục đang tiến hành hàng lọat đổi mới. Trong đó, trọng tâm là con người, nguồn nhân lực. Trong đó, đội ngũ nhà giáo với hơn 1,2 triệu người, để thay đổi sang tư duy mới, tầm vóc mới để nâng tầm giáo dục đào tạo của Việt Nam không phải là việc đơn giản.

Để thực hiện điều này, rất cần những "đầu máy", lãnh đạo nhà trường. PGS.TS Phạm Quang Trung dẫn giải từ lãnh đạo ngành giáo dục: "Hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường là những đầu máy quan trọng. Tác động vào những "đầu máy" này, khi những "đầu máy" này tăng công suất vận hành sẽ kéo theo tất cả hệ thống phía sau. Như thế mới có đủ khả năng dịch chuyển hơn 1,2 triệu con người trong toàn ngành giáo dục đào tạo.

Vì thế, một trong những trọn tâm Bộ trưởng đặt ra là xây dựng hệ thống chuẩn của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý trong toàn ngành".