Xử lý khi xe máy bị ngâm nước

(VOH) - Những ngày gần đây, do ảnh hưởng mưa và triều cường, nhiều nơi ở TPHCM ngập nặng. Hàng ngàn phương tiện bị chìm sâu trong các hầm để xe kéo theo đó là bao nỗi lo lắng cho số phận của những chiếc xe.

Rất nhiều xe máy bị ngập trong hầm nước sau cơn mưa chiều 27/9. Ảnh: LĐO

Theo các chuyên gia, xe đang đi bị ngập nước, xe ngâm trong trong nước lâu... chắc chắn nước đã tràn vào nhiều bộ phận, linh kiện quan trọng như lọc gió, ống xả, động cơ, hộp số, hệ thống điện, các vòng bi và hộp dây đai truyền động (với xe tay ga). Các kỹ sư cơ khí cho rằng, xe máy ngập nước được chia thành nhiều loại.

- Nhẹ nhất là nước ngập chưa tới nửa bánh xe, chưa ngập ống xả, thì coi như không có vấn đề. Động cơ chưa bị nước thâm nhập vào, có thể khởi động lại được ngay sau khi ra khỏi chỗ ngập.

- Nếu nước vượt quá nửa bánh xe, ngập ống xả thì hộp số và động cơ cũng có thể đã bị nước tràn vào, cần phải kiểm tra.

- Nếu ngập cả bánh xe, hoặc cao hơn là ngập toàn bộ xe, với thời gian kéo dài hàng giờ thì hộp số, động cơ, hệ thống điện, lọc gió chắc chắn đã đầy nước, dễ phát sinh nguy hiểm và hư hỏng.

Nếu đi trên đường bị nước ngập sâu, xe chết máy, chìa khóa điện không tắt thì hệ thống điện sẽ bị ảnh hưởng lớn. Nếu xe đã tắt máy nhưng chìm sâu trong nước hàng giờ đồng hồ thì các giắc nối, các công tắc cũng bị nước tràn vào trong, dễ gây ra những trục trặc về sau. Đây chính là nguy cơ gây chập cháy, phá hủy ắc quy sau này.

Bên cạnh đó, hệ thống đèn chiếu sáng, xi nhan cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Với những chiếc xe đắt tiền nhập khẩu nguyên chiếc, giá hàng trăm triệu thì càng phức tạp hơn. Khi gặp nước, toàn bộ hệ thống điện sẽ bị tê liệt, để sửa rất tốn rất nhiều tiền và phải gửi tới cơ sở dịch vụ chính hãng mới đủ điều kiện.

Tiếp đến là động cơ. Khi xe bị ngập sâu, nước tràn vào qua đường lọc gió vào động cơ, hộp số bám vào đó, bào mòn các bánh răng, trục khủy và gây ra tiếng ồn, hoạt động thiếu ổn định, thậm chí là bị thủy kích giống như ô tô.

Ngoài ra, tất cả các xe máy ngâm lâu trong nước hệ thống bạc đạn (ổ bi), sẽ bị nước thâm nhập vào gây ra những gỉ sét. Các công tắc bị nước thấm vào cũng gây ra những trục trặc, hỏng hóc.

Vì những lý do trên, chúng ta nên bảo dưỡng toàn bộ chiếc xe nếu bị chết máy hay ngập chìm trong nước. Với xe tay ga, do được làm mát bằng gió nên nước có thể ngấm và lọt vào hộp truyền động bất cứ lúc nào, làm giảm khả năng bám của dây đai (dây cuaroa), làm giảm hoặc mất khả năng gia tốc của xe, gây hiện tượng trượt và làm hỏng dây đai.

Việc xử lý những xe máy bị ngập sâu trong nước cũng khồng hề đơn giản. Theo các kỹ sư, chắc chắn là phải tháo rời nhiều bộ phận quan trọng để kiểm tra. Tất cả các ổ bi ở bánh xe, cổ xe sẽ phải được tháo ra kiểm tra lau rửa và tra mỡ, nếu cần phải thay mới.

Động cơ xe cũng phải tháo rời để vệ sinh các bộ phận bằng xăng hoặc dung dịch chuyên dụng. Sau đó thay dầu khởi động xe, thực hiện như vậy từ 2-3 lần để loại bỏ hoàn toàn nước.

Hệ thống điện cũng phải kiểm tra xem xét kỹ từng đầu nối, giắc cắm, công tắc,... có thể phải thay mới hoàn toàn hoặc từng phần.

Đặc biệt với xe máy sử dụng công nghệ phun xăng điện tử, phải súc rửa kim phun để tránh hỏng hóc về sau do tạp chất tích tụ trước đó và sau khi nước xâm nhập vào động cơ.

Nói tóm lại là phải bảo dưỡng toàn bộ và chi tiết nào thấy không ổn phải thay mới. Chi phí khá tốn kém, nhất là với xe mới mua chưa sử dụng nhiều.

Các kỹ sư cũng đưa ra lời khuyên, đối với xe máy bị chết máy do ngập nước, chìm sâu trong nước thời gian dài, người sử dụng không nên khởi động xe, vì như vậy sẽ làm cho xe hư hỏng nặng thêm.

Việc khởi động lại xe sẽ khiến nước len lỏi sâu hơn vào bên trong động cơ. Khi đó, dầu pha nước bị đẩy vào tất cả ngõ ngách của động cơ, làm cho động cơ xe bị bào mòn và hỏng nặng hơn, thậm chí là bị thủy kích như đã nêu ở trên.

Thêm nữa, với việc hệ thống điện bị nước tấn công, chiếc xe hoàn toàn có thể bị cháy, nổ gây ra những thiệt hại lớn. Việc cần làm là nên đưa xe đến những trung tâm sửa chữa có đầy đủ các trang thiết bị và kỹ thuật viết có trình độ để kiểm tra, bảo dưỡng.

Chương trình "Trò chuyện cùng Bác tài" được phát sóng từ 9 giờ 5 phút đến 9 giờ 30 ngày thứ Ba hàng tuần, trên sóng FM 99.9MHz. Số điện thoại tham gia giao lưu trực tiếp: (08) 3910 4866.