8 tháng năm 2020: Lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến

(VOH) - 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Đây là thông tin từ Hội nghị tổng kết vụ sản xuất mía đường 2019 - 2020 và triển khai Chỉ thị 28 ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới do Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức.

8 tháng năm 2020: Lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến
8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Vụ sản xuất 2019/20 kết thúc ngày 05/05/2020, cả nước 29 nhà máy mía hoạt động. Sản lượng đường sản xuất được là hơn 913.000 tấn, trong đó đường sản xuất từ mía là gần 768.000 tấn, còn lại là từ đường thô nhập khẩu (khoảng 145.400 tấn), giảm hơn 405.900 tấn, tương đương 34,58% so với vụ trước. Trong 8 tháng năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (89,94%).

Ông Cao Anh Đương, Quyền chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam – cho hay: "Qua khảo sát, những nông dân giỏi, khi sản xuất, họ đã tiết giảm tối đa thì giá thành mía hiện nay khoảng từ 850 ngàn đồng cho đến 900 ngàn đồng/tấn mía. Như vậy, để nông dân có lãi, các nhà máy đường muốn tồn tại và nông dân còn trồng mía thì phải mua được giá mía trên ít nhất là 900 ngàn đồng/tấn mía. Đây là vấn đề cốt lõi đối với các thành viên Hiệp hội, các nhà máy đường và nông dân trồng mía".

Niên vụ 2019/20, mặc dù giá mía nguyên liệu có tăng (khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng/tấn so với niên vụ trước), nhưng vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường, nông dân không mặn mà với cây mía, bỏ mía không đầu tư chăm sóc hoặc chuyển đổi sang trồng cây khác, dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm so với niên vụ trước. Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) – nhận định: "Năm nay có cải thiện hơn là trữ đường có dấu hiệu tích cực, nhưng trữ đường tích cực thì phải dẫn đến bài toán là chúng ta phải luôn minh bạch hóa về vấn đề trữ đường. Trên cơ sở minh bạch hóa đó thì đó là chính sách thu mua đối với bà con nông dân. Tôi nghĩ rằng, đời sống của bà con nông dân vẫn là quan trọng nhất, có thể doanh nghiệp khó khăn, nhưng nông dân vẫn là đối tượng chịu tổn thương nhất".

Niên vụ 2020/21 dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. So với niên vụ 2019/20, dự kiến sẽ có thêm 04 nhà máy đường gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả.