"Áp dụng quản lý rủi ro tạo nền tảng quan trọng cho đột phá cải cách hải quan"

(VOH) - Dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ giúp Tổng cục Hải quan cải tiến hệ thống quản lý rủi ro... 

Cùng với đó, nhiều điểm mới quan trọng của Thông tư 81, như: quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; Công tác thu thập thông tin phục vụ quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ… cũng được giới thiệu đến các doanh nghiệp tại Hội nghị phổ biến quy định pháp luật về quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan với sự tham dự của trên 200 doanh nghiệp phía Nam do Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức ngày 28/10 tại TPHCM.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Trong những năm qua, công tác quản lý rủi ro của ngành Hải quan đã có những bước phát triển nhanh chóng, mở rộng về phạm vi và chuyên sâu về nội dung, kỹ thuật nghiệp vụ áp dụng trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan, đặc biệt là việc áp dụng quản lý rủi ro trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo nền tảng quan trọng cho sự đột phá trong cải cách, điện tử hóa, tự động hóa thủ tục hải quan nói riêng cũng như công tác quản lý của ngành Hải quan nói chung.

Theo số liệu của ngành Hải quan cho thấy, số lượng, tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra thực tế hàng hóa trong thực hiện thủ tục hải quan đã giảm đáng kể qua các năm, cụ thể: năm 2014, tỷ lệ kiểm tra thực tế là gần 9,7%, đến nay, 9 tháng năm 2020, tỷ lệ này giảm còn hơn 5%.

Ông Nguyễn Nhất Kha, Cục trưởng Cục Quản lý Rủi ro – Tổng Cục Hải quan đánh giá: “Công tác quản lý rủi ro đã được ngành Hải quan triển khai áp dụng từ rất lâu, từ năm 2011 đã triển khai các bước ban đầu, và năm 2014 quy định chi tiết cụ thể các vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý rủi ro. Và để triển khai các quy định của Luật Hải quan năm 2014. Và để triển khai các quy định của Luật Hải quan năm 2014, thì Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã ban hành rất nhiều quyết định, văn bản hướng dẫn các nghiệp vụ quản lý rủi ro. Đến thời điểm này, công tác quản lý rủi ro được áp dụng một cách đồng bộ”.

Gần đây, Tổng cục Hải quan đã xây dựng, hoàn thiện cơ chế đánh giá tuân thủ đối với 4 nhóm đối tượng thuộc người khai hải quan và nhóm doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng, công khai tiêu chí đánh giá phân loại mức độ tuân thủ và các nội dung quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan và trình Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư 81 ngày 15/11/2019 quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Thông tư này có nhiều điểm mới vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao tính tuân thủ cho doanh nghiệp, vừa tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan Hải quan.

Ông Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Rủi ro – Tổng Cục Hải quan cho hay: "Những đổi mới trong thông tư 81 này đưa ra về đánh giá mức độ tuân thủ và phân loại rủi ro đối với doanh nghiệp. Những nội dung trước đây chúng ta chỉ đánh giá doanh nghiệp 3 mức: ưu tiên, mức độ doanh nghiệp tuân thủ và mức độ doanh nghiệp không tuân thủ, nhưng lần này, chúng ta chi tiết hóa hơn, từ 3 mức đưa ra 5 mức”.

Ông Alistair Gall, chuyên gia cao cấp về tạo thuận lợi thương mại của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho rằng, Chính phủ Việt Nam và Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực thực hiện cải cách hành chính. Đặc biệt, việc áp dụng quản lý rủi ro trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã tạo nền tảng quan trọng cho bước đột phá cải cách hải quan. Ông Alistair Gall nhấn mạnh, việc ban hành Thông tư 81 này không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch trong khuôn khổ pháp lý cho Hải quan mà còn tăng cường năng lực của Hải quan trong các thủ tục hoạt động cốt lõi, như quản lý và thực thi đối với các giao dịch, tờ khai và doanh nghiệp có rủi ro cao hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và khen thưởng các doanh nghiệp tuân thủ.

Đại diện cho hơn 1.000 đại lý hải quan trong cả nước, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics cho rằng, điểm nghẽn trong thông quan hàng hóa hiện nay là kiểm tra chuyên ngành. Đặc biệt Thông tư 81 là văn bản pháp luật đề cập đến vai trò quan trọng của đại lý hải quan. Trong đó chữ ký số cần đồng bộ hoá việc quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.

“Chúng tôi có một đề nghị là với sự trao đổi mật thiết giữa cơ quan hải quan và cơ quan quản lý với đối tác là các doanh nghiệp, thông qua việc quản lý rủi ro này, thì chúng ta ngày càng hiểu nhau hơn, đưa đến tiêu chí sát thực tế hơn và đánh giá doanh nghiệp chuẩn hơn, tránh việc thời gian qua tỉ lệ chuyển luồng rất nhiều, thế nhưng hiệu quả không cao dẫn đến việc lãng phí thời gian, chi phí của doanh nghiệp”, bà Mai Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Logistics ILTC nêu ý kiến.

Tại sự kiện này, Tổng cục Hải quan cũng lấy ý kiến doanh nghiệp về Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ.