Bí quyết giảm tiền điện mùa nắng nóng

(VOH) - Những cách thức đơn giản sau đây giúp giảm tiêu thụ điện năng và sử dụng các thiết bị bền hơn.

Nhận diện những thiết bị tăng điện năng nhiều

Những thiết bị làm tăng điện năng tiêu thụ và tăng tiền điện trong những ngày nắng nóng, thông thường tủ lạnh, quạt và máy lạnh.

Trên thị trường, có nhiều loại máy lạnh, tủ lạnh tiết kiệm điện và nên lưu ý điều này khi có ý định sắm máy lạnh mới.

Với tủ lạnh đang sử dụng, phải luôn kiểm tra gioăng để tủ lạnh không bị hở và không nên đóng mở tủ liên tục với thời gian lâu, vì như vậy tủ lạnh sẽ tiêu thụ nhiều điện năng hơn. Ngoài ra, tuyệt đối không cho đồ ăn nóng vào tủ lạnh. Cài đặt nhiệt độ của tủ lạnh phù hợp với tính chất thực phẩm. Không đặt tủ lạnh sát tường để nhiệt độ dàn nóng dễ dàng toả ra ngoài, khoảng cách ở cả 3 phía với tường không nên dưới 10 cm.

Với máy lạnh, nên chọn loại máy có hiệu suất làm lạnh cao để giảm lượng điện năng tiêu thụ. Và khi lắp đặt, dàn nóng nên đặt nơi thoáng gió, không bị nắng chiếu trực tiếp và không để các nguồn nhiệt trong phòng. Nếu không thể tránh việc này, có thể làm khung chống nóng bằng gỗ hoặc các vật liệu cách nhiệt khác tốt hơn.

Việc định kỳ làm vệ sinh máy lạnh (3–6 tháng một lần) sẽ giúp tiết kiệm 5-7% điện năng tiêu thụ. Ngoài ra, cần làm kín các khe cửa sổ và cửa ra vào, hạn chế số lần mở. Với các phòng có sử dụng cửa kính thì nên tránh tuyệt đối việc để ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếc vào cửa thì khi đó kính sẽ hấp thụ nhiệt và đổ lại phòng gây rất bí bách oi nóng và khó chịu. Hoặc không thì cần phải sử dụng rèm cửa để che chắn. Đừng quên chức năng hẹn giờ ở máy lạnh, quạt để tiết kiệm điện vào giữa khuya – khi thân nhiệt chúng ta hạ đi lúc đã ngủ ngon.

tiết kiệm điện, giảm tiền điện, nắng nóng

Hình minh họa: internet

Khi sử dụng quạt điện, nên điều chỉnh tốc độ quạt phù hợp với nhu cầu cần thiết vì khi máy quạt làm việc ở tốc độ cao nhất sẽ tiêu thụ điện nhiều nhất. Ngoài ra, cần làm vệ sinh định kỳ và tra dầu vào ổ quạt sau một thời gian sử dụng (thường khoảng 6 tháng).

Tiết kiệm điện khi dùng đèn chiếu sáng và sử dụng ti-vi:

Với các thiết bị chiếu sáng, các hộ gia đình nên thay các loại đèn thông thường bằng các loại đèn compact hoặc đèn LED tiêu thụ ít năng lượng hơn. Ngoài ra, ban ngày nên tận dụng ánh sáng tự nhiên và tắt các đèn khi không sử dụng. Tập  thói quen chỉ để đèn ở những phòng đang sinh hoạt, tắt đèn khi ra khỏi phòng để tiết kiệm điện

Không nên chỉnh màn hình Ti-vi ở chế độ quá sáng và âm thanh quá lớn và nên tắt TV khi không có người xem. Nếu TV không được sử dụng trong thời gian dài thì nên tắt TV bằng nút nguồn và rút dây điện ra khỏi nguồn điện.

Không nên chỉnh âm thanh quá lớn vì như vậy sẽ gây ồn ào và tiêu thụ nhiều điện. Ngoài ra, nếu hệ thống này không được sử dụng trong thời gian dài thì nên tắt và rút dây điện ra khỏi nguồn điện.

Tiết kiệm điện các thiết bị làm bếp, gia dụng

Bếp điện sẽ vẫn tỏa đủ nhiệt để nấu chín thức ăn nếu bạn tắt đi trước một vài phút. Tuy mẹo này có thể áp dụng cho hầu hết các món ăn nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ như món ninh hay hầm nhừ.

Chỉ sử dụng máy giặt khi đủ lượng đồ cần giặt và nên phân loại đồ theo mức độ bẩn để chọn chế độ giặt phù hợp và lưu ý chỉ dùng chế độ giặt nước nóng khi thật cần thiết.

Không nên sử dụng nồi cơm điện quá sớm trước khi ăn nhằm hạn chế thời gian nồi cơm điện tự hâm nóng làm tăng lượng điện tiêu thụ.

Không nên dùng bàn ủi trong phòng có bật máy lạnh vì điều này sẽ tiêu tốn nhiều điện năng. Khi ủi, nên chỉnh nhiệt độ thích hợp cho từng loại vải và tập trung tất cả quần áo để ủi một lần nhằm tận dụng sức nóng của bàn ủi.

Bí kíp chung cho mọi thiết bị: Thường xuyên làm sạch bề mặt

Quạt cần được làm sạch thường xuyên, tra dầu định kỳ; máy lạnh cần bảo dưỡng đều đặn. Thường xuyên lau chùi sạch đáy nồi cơm và mâm nhiệt của nồi cơm điện để tiếp xúc nhiệt giữa chúng tốt hơn góp phần tiết kiệm điện năng tiêu thụ, lau sạch bề mặt kim loại của bàn ủi sẽ giúp nó hoạt động có hiệu quả hơn.