Cần tập trung đồng bộ kết cấu hạ tầng

(VOH) - Liên kết vùng trọng điểm phía Nam còn nhiều hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Đây là nhận định của các đại biểu tham gia hội nghị Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhiệm kỳ 2015- 2016, diễn ra sáng nay 12/8.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước đã và đang phát huy lợi thế, tạo nên thế mạnh của mình theo cơ cấu kinh tế mở, gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, không chỉ tạo ra động lực thúc đẩy sự chuyển dịch nhanh cơ cấu nền kinh tế quốc dân theo chiều hướng tích cực mà còn góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành lân cận trong vùng.

Hơn 10 năm qua, kinh tế toàn vùng đã có mức tăng trưởng ổn định, cao hơn mức tăng chung của cả nước trên 1,5 lần. Giai đoạn 2011- 2014, tăng trưởng của vùng đạt 10,2%, cả nước đạt 5,7%.

Cơ cấu kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có sự chuyển dịch nhanh và đúng hướng theo xu thế giảm dần tỷ trọng GDP khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp - ngư nghiệp và khu vực công nghiệp - xây dựng, tăng dần tỷ trọng GDP khu vực dịch vụ, môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể.

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã góp phần tăng cường giao thương hàng hóa các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Ảnh: Lan Hương)

Việc liên kết phát triển kinh tế vùng đã tạo ra một hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết. Các tuyến đường giao thông như cao tốc TPHCM - Trung Lương, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã góp phần tăng cường giao thương hàng hóa và hành khách giữa thành phố với các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, mạng lưới kết nối giao thông trong vùng vẫn còn hạn chế.

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thành viên Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, đánh giá: “Trong vùng này, hàng hóa vận tải chiếm 20% của cả nước, về hành khách chiếm khoảng 30%, hàng thông qua các cảng biển chiếm 55%, sân bay cũng vậy, công suất của 21 sân bay trên toàn quốc là khoảng 70 triệu lượt khách, thì sân bay Tân Sơn Nhất đã chiếm khoảng 26- 28 triệu. Nhưng, nếu nhìn toàn cục mà nói thì vùng này so với vùng trọng điểm Bắc bộ thì kết cấu hạ tầng giao thông ở đây không tốt bằng, mặc dù dung lượng hàng đi qua đây rất lớn”.

Điều đáng nói là chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ ngành với các địa phương trong việc điều hành cơ chế, chính sách cho Vùng. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhiệm kỳ 2015- 2016, nhấn mạnh: “Phát huy nội lực của từng địa phương là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, nhân tố liên kết, hợp tác giữa các đại phương với nhau cũng rất quan trọng để giúp cho địa phương mình và cho cả vùng phát triển.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta biết phát huy đúng mức mối liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng thì đó là một điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy địa phương, vùng phát triển trong cái nhìn tổng thể. Từ đây, chúng ta cũng góp phần thực hiện quy hoạch phát triển vùng đã được thủ tướng phê duyệt”.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh: TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.

Vùng chiếm 8% diện tích và 17% dân số của cả nước nhưng chiếm hơn 40% GDP cả nước, chiếm 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia và là vùng thu hút hơn 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.

Theo đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, mục tiêu giai đoạn 2021-2030 toàn vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 8%/năm đến 8,5%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 12.200 đô la Mỹ.