Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020

(VOH) - Quy mô dự trữ quốc gia bằng hiện vật từng bước được tăng dần theo Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020.

Công tác dự trữ quốc gia đặc biệt quan trọng trong chủ động dự báo để xây dựng, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước, tăng cường về số lượng, đa dạng về chủng loại vừa nâng cao về chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao, phục vụ có hiệu quả cho những yêu cầu đột xuất cấp bách cũng như các mục tiêu quốc gia về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, an ninh quốc phòng. Quy mô dự trữ quốc gia bằng hiện vật từng bước được tăng dần theo Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020.

Ông Phạm Phan Dũng – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước – Bộ Tài Chính. Ảnh: VTC

Đề cập vấn đề này, Phóng viên Lệ Loan đã phỏng vấn ông Phạm Phan Dũng – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước – Bộ Tài Chính.

* VOH: Thưa ông, trong quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia và quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ nhà nước đến năm 2020, các bộ đã được ngân sách nhà nước bố trí vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới nhiều kho chứa hàng. Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; cứu trợ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chuẩn bị những gì?

Ông Phạm Phan Dũng: Để làm tốt được những nhiệm vụ, đầu tiên chúng ta phải có hàng. Từ xưa đến nay cũng có nhiều quan điểm, dự trữ quốc gia chỉ nên dự trữ tiền, hay hàng. Thực tiễn đất nước chúng ta không phải như thế. Khi ngập lụt, biến cố khí hậu xảy ra, có tiền hoặc hàng cũng không mua được ngay tại chỗ. Đó là chưa kể khi chúng ta muốn mua, phải thực hiện các quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm. Để làm tốt được việc này, thì chúng ta chủ động nguồn lực, có vốn. Tiếp sau đó chúng ta tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch việc mua sắm.

* VOH: Thưa ông, trong công tác đấu thầu, Tổng cục Dự trữ Nhà nước làm thế nào để đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân?

Ông Phạm Phan Dũng: Trong quá trình triển khai đấu thầu, chúng tôi tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp có đủ năng lực đều tham gia đấu thầu. Đó là kênh tốt nhất để mọi doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia. Kênh thứ hai là theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia, khuyến khích các doanh nghiệp, hay nói cách khác là xã hội hóa hoạt động dữ trữ quốc gia, khuyến khích doanh nghiệp xây kho, đóng góp kinh nghiệm, kỹ năng về phương thức bảo quản hàng hóa, thì chúng tôi sẽ thuê doanh nghiệp bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

* VOH: Rõ ràng, công tác này Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào bằng phương thức xã hội hóa. Tuy nhiên, nhà thầu có đủ năng lực thì họ sẽ hội tụ những điều kiện nào?

Ông Phạm Phan Dũng: Điểm khác của ngành dự trữ chúng tôi khác với những doanh nghiệp khác là khi nhà thầu muốn tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia thì phải có đủ năng lực. Thứ hai, khi nhập hàng vào dự trữ quốc gia, chúng tôi kiểm tra đảm bảo chất lượng an toàn thì mới thanh toán. Đây cũng là điểm khó cho doanh nghiệp, nhưng là yêu cầu bắt buộc của hàng dự trữ quốc gia vì hàng dự trữ quốc gia khi mua vào không sử dụng ngay, mà dự trữ trong một thời gian. Sau thời gian dự trữ khi có tình huống bất trắc xảy ra thì chúng tôi xuất cấp ra, và khi xuất cấp ra thì phải sử dụng được ngay.

* VOH: Xin cảm ơn ông.