Chuyển đổi số mở ra sự công bằng cho tất cả doanh nghiệp và bình đẳng thị trường

(VOH) - Gala chung kết startup Việt 2020 với chủ đề “The new normal – thời đại bình thường mới” diễn ra ngày 2/12.

Startup Việt 2020 đã thu hút cộng đồng với 500 dự án dự thi từ nhiều lĩnh vực: thương mại điện tử, y tế, giáo dục, tuyển dụng… và hơn 11.000 lượt bình chọn từ độc giả.

Đây là chương trình bình chọn khởi nghiệp thường niên cho báo Vnexpress tổ chức nhằm kết nối, ươm mầm, tìm kiếm các startup nổi bật trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.

Toàn cảnh Gala chung kết startup Việt 2020

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Lê Diệp Kiều Trang - Sáng lập Quỹ Alabaster cho rằng, năm 2020 được gọi là năm chuyển đổi số. Đây là một năm khó khăn của nhiều doanh nghiệp kinh doanh offline, song lại là một năm tăng tốc cho các doanh nghiệp online.

Theo bà Trang, trong thế giới online, toàn cầu hóa vẫn còn đó và năm 2020 là một dấu mốc cho lĩnh vực này. Thực tế đã chứng minh, năm 2020 thị trường online đã đạt doanh thu mà trước đó các nhà kinh tế dự đoán phải đến năm 2025 mới đạt tới. Mọi người mua sắm trực tuyến nhiều hơn.

Trong phần trình bày, nhà sáng lập Quỹ Alabaster chia sẻ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp về câu chuyện chuyển mình của công ty Arevo (Mỹ), ứng dụng AI và Digital trong công nghệ in 3D sợi carbon vào tháng 7/2020.

Với sự chuyển đổi này, khi cả thế giới gần như tê liệt vì Covid-19, công ty này đã gọi vốn được hơn 7 triệu đô la Mỹ để quảng cáo online, tiếp cận 29 triệu khách hàng, bán ra hơn 3.000 sản phẩm, tương đương với việc "bỏ ra một đồng, thu về 5,3 đồng". Đây là chương trình lớn nhất trong lịch sử của công ty này.

Đánh giá về thế giới online, bà Trang cho rằng “chuyển đổi số mở ra sự công bằng cho tất cả doanh nghiệp và bình đẳng thị trường”.

Ông Huỳnh Công Thắng, sáng lập và là CEO của Innolab, đơn vị triển khai và tư vấn về đổi mới sáng tạo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, một startup FMCG doanh thu 6 tỷ trong năm 2019, rớt xuống 200 triệu do Covid-19, gần bên bờ vực đóng cửa doanh nghiệp.

Do đó một điều quan trọng, theo ông, là startup cần nhìn rõ được thực lực, giá trị đến từ đâu. “Ví dụ khi tăng trưởng đến từ những liên minh bán lẻ, thì khi mô hình này không còn hiệu quả trong Covid-19, cần tìm cách thay đổi” – ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Thành Long - Giám đốc Marketing tập đoàn Tiki cho rằng, CEO là "người thuyền trưởng" của một doanh nghiệp nên trong bất kỳ trường hợp nào, CEO cũng là người vững tâm nhất, từ đó truyền năng lượng tích cực cho tất cả nhân viên.

Tiếp theo, Tiki đã tận dụng và tối ưu tất cả nguồn lực đang có trong công ty. Cuối cùng, Tiki sẽ xem xét các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài, mở ra các dịch vụ cung cấp nước uống... là những thứ trước đây Tiki chưa bao giờ làm.

Các diễn giả, doanh nghiệp chia sẻ về việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Theo Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc, Công ty XNK trái cây Chánh Thu, tư duy đầu tiên startup cần có là khả năng thích ứng. Thứ hai, việc nhìn lại chính mình, xem xét nội lực, ưu điểm của mình để cố gắng phát huy trước khi bắt đầu một startup. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ trước những rủi ro.

Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo cho rằng, startup cần xem xét, kêu gọi người đồng hành để bù đắp vào điểm yếu còn thiếu sót của đội ngũ founder. Từ kinh nghiệm của người đồng hành, các bạn sẽ đi dài, đi xa.

Chia sẻ về thế chủ động ngay trong Covid-19, ông Phạm Văn Tam cho hay, từ đầu khi còn là một người kinh doanh nhỏ lẻ, hay khi giai đoạn chuyển đổi từ công ty lên tập đoàn, thì ông đã xác định chuyển đổi số là chiến lược. Tuy nhiên chuyển đổi số thời gian đó rất khổ.

Ông Phạm Văn Tam nói rằng, đơn giản chuyển đổi số năm xưa chỉ là số hóa dữ liệu đối tác, khách hàng. Nhưng hiện nay, trong Covid-19, chuyển đổi số được ứng dụng một cách thực dụng và sâu sát hơn, ứng dụng những công nghệ mới vào dây chuyền, quản lý, bán hàng và cả dịch vụ chăm sóc khách hàng.

"Thay đổi phải liên tục, từ trong ra ngoài chứ không phải đã làm rồi thì không chuyển đổi số nữa", ông Tam nói.

Ông Bùi Thành Đô - Giám đốc và đồng sáng lập Thinkzone Ventures khẳng định, từ lúc ThinkZone Ventures thành lập thì đã xác định sẽ đầu tư vào startup giai đoạn đầu.

Do đó, tiền không phải là điều quan trọng nhất của startup mà là sự cố vấn, đồng hành và tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo. Đây là nhóm những người quan trọng nhất trong công ty. Trong khi đó, nhà đầu tư giúp các bạn về mạng lưới kết nối, thị trường, kinh nghiệm... để tránh những sai lầm đã xảy ra ở nơi khác, người khác.

Ông Đô cho hay, có một startup mà ThinkZone Ventures đã đầu tư nay trở thành nền tảng quản lý vận hành 3.000 xe taxi, tất cả xe đều không có bộ đàm mà là điều hành qua ứng dụng. Khi một khách hàng gọi điện lên tổng đài, các hãng sẽ điều xe theo một mô hình ứng dụng công nghệ mới. Đây là thay đổi điển hình của chuyển đổi số trong một lĩnh vực rất truyền thống là taxi.