Cơ hội của Việt Nam trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu

(VOH) - Sáng 31/10, tại TPHCM đã tổ chức Triển lãm quốc tế Công nghệ cửa hàng và Nhượng quyền thương hiệu (VIETRF 2019) lần thứ 11.

Năm nay, VIETRF quy tụ 180 thương hiệu nhượng quyền và 100 thương hiệu công nghệ cửa hàng đến từ nhiều Quốc Gia và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Đài Loan, Pháp và Việt Nam...

Các đơn vị tham gia triển lãm chủ yếu giới thiệu công nghệ cửa hàng như máy tính tiền điện tử, hệ thống quản lý tiền mặt, thiết bị và nội thất cửa hàng, nền tảng và giải pháp thương mại điện tử, dịch vụ tư vấn quản lý và điều hành hệ thống cửa hàng…

Với quy mô ngày càng mở rộng về số lượng, và nâng cao về chất lượng, Triển lãm đã và đang nhận được sự đánh giá cao của Thành phố, các Sở Ban ngành, các doanh nghiệp và khách tham quan.

Tận dụng xu hướng nở rộ nhượng quyền để xây dựng nên chuỗi những thương hiệu có sức ảnh hưởng lớn cả trong nước và thế giới, nhượng quyền thương hiệu được biết đến và được áp dụng từ nhiều năm trước đây trên thế giới, khái niệm này thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ khá lâu, nhưng đến giai đoạn gần đây mới được nhận thức đầy đủ hơn.

Việt Nam hiện đứng thứ 8 trong số 12 thị trường được các doanh nghiệp quốc tế nhắm tới để chuyển nhượng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 25% mỗi năm. Các lĩnh lực tiềm năng để chuyển nhượng gồm Thực phẩm đồ uống, giáo dục, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang và cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm ưu thế. Thị trường nhượng quyền Việt Nam cũng đã chứng kiến sự sụp đổ của nhiều tên tuổi lớn.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực Nhượng quyền Thương hiệu và thị trường bán lẻ nhìn nhận rằng VIETRF 2019 sẽ mang đến kỳ tích cho các doanh nghiệp lội ngược dòng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế những năm vừa qua.

Riêng ở lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu, tại triển lãm tập trung nhiều ngành nghề, lĩnh vực, gồm thực phẩm đồ uống, sức khỏe và sắc đẹp, thời trang, bán lẻ và bán sỉ, khởi nghiệp; trong đó, điểm nổi bật là lần đầu tiên thương hiệu GS25 ra mắt mô hình nhượng quyền tại Việt Nam, E Coffee - Mô hình nhượng quyền linh hoạt thuộc Trung Nguyên, Samsung - Giải pháp hình ảnh và bảng hiệu điện tử thông minh, TORO - Máy bán hàng tự động thông minh với ví Toro tiện dụng.

Thị trường nhượng quyền của Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong tương lai, trong đó lĩnh vực bán lẻ được dự báo sẽ có nhiều cuộc chuyển nhượng quy mô lớn, vì đây là ngành có tốc độ tăng trưởng rất mạnh, có để đạt quy mô 180 tỷ USD vào năm 2020.

Cùng ngày, Triển lãm quốc tế về ngành cà phê, trà và bánh ngọt (Coffee, Tea & Bakery Expo 2019) do Công ty Coex Vietnam phối hợp và đồng tổ chức bởi Vinexad, Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), cũng được khai mạc tại SECC.

Đây là triển lãm về công nghệ, sản phẩm và dịch vụ của ngành cà phê; trà cao cấp, gồm nguyên liệu, máy móc, dụng cụ và các sản phẩm liên quan khác từ những thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Lần thứ 4 được tổ chức tại Việt Nam, với 205 gian hàng, cùng sự tham gia của 80 thương hiệu đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, triển lãm là nơi quy tụ các sản phẩm nguyên liệu, máy móc, cà phê, trà và các món ngọt tốt nhất trong ngành.

Đồng thời, cũng là mang đến cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành cà phê và các món ngọt giao lưu mở rộng quy mô ra quốc tế.

Đặc biệt, triển lãm được kỳ vọng là điểm đến mà chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng cà phê và bánh ngọt để tìm được những mặt hàng chất lượng cao.