Công nghệ nông nghiệp vẫn rất quan trọng trong đô thị hiện đại

(VOH) - Ngành nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh vừa kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm công nghệ sinh học (2004–2019).

Trong bối cảnh thành phố đang xây dựng không gian đô thị thông minh thì khoa học công nghệ sinh học trong nông nghiệp vẫn khẳng định vị trí và sự đóng góp của mình, nhất là nhiệm vụ phát triển đội ngũ nhân sự-các nhà khoa, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ đời sống. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh của kinh tế- xã hội thành phố, đặc biệt là những đòi hỏi, yêu cầu nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp đô thị thì thách thức và nhiệm vụ đặt ra đối với các nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực này cũng không hề dễ dàng. Ông Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn của VOH.

Ông Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh

*VOH: Thưa ông, Trung tâm vừa kỉ niệm 15 năm thành lập, ông cho biết những cột mốc đáng nhớ từ ngày đầu đến nay?

PGS.TS Dương Hoa Xô: Theo Quyết định của UBND TP thì Trung tâm thành lập tháng 7/2004 và đến nay đã 15 năm. Thật ra chúng tôi bắt đầu gần như từ con số 0. Ban đầu khi hình thành có được 5 người, trong đó chỉ có 2 tiến sĩ là tôi và TS Quốc Bình - Việt kiều Canada trở về nước làm việc, cùng 1 thạc sĩ nữa. Cho đến nay thì Trung tâm có 170 người với 16 tiến sĩ (trong đó có 2 phó giáo sư, tiến sĩ) và 45 thạc sĩ, chưa kể số anh em đang học thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước. Đó là lực lượng cán bộ khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học lớn mạnh, trưởng thành rất nhanh.

Cột mốc thứ hai là từ cơ sở vật chất phải “ở nhờ” trụ sở của Sở Nông nghiệp & phát triển Nông thôn thành phố, cho đến nay chúng tôi có cơ sở vật chất hiện đại với diện tích khuôn viên 23 ha gồm: tòa nhà khu nghiên cứu 12 phòng thí nghiệm được đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại; khu nuôi cấy mô - tế bào thực vật có thể sản xuất 2 triệu cây giống/năm;và có rất nhiều các nghiên cứu bao trùm từ lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rồi các mảng công nghệ sinh học phục vụ cho môi trường, thực phẩm, kể cả lĩnh vực công nghệ sinh học y dược...Đánh giá chung đó là những cột mốc trưởng thành rất lớn mà hiện nay trung tâm đang phấn đấu trở thành trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia.

*VOH: Vậy, người dân được hưởng lợi gì trong sự phát triển này của ngành công nghệ nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh?

PGS.TS Dương Hoa Xô: Chúng tôi xác định, đầu tiên Trung tâm công nghệ sinh học phục vụ cho thành phố. Vì vậy, ngay từ đầu chúng tôi tập trung rất nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp. Ví dụ, chúng tôi tập trung cho đối tượng nông nghiệp đô thị: phát triển giống rau, giống hoa hay các chế phẩm phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, ngay từ giai đoạn 2009-2010 khi thành phố bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã chuyển giao ngay các tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân từ cây giống, cấy mô hoa lan đến các loại giống rau mới, các chế phẩm sinh học xử lý phân chuồng hoặc chế phẩm phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, giảm bớt thiệt hại do sử dụng phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Đó là chưa kể chúng tôi đã áp dụng các mô hình nông thôn mới cho bà con nông dân, đặc biệt các chương trình ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn cũng như nghiên cứu vacine phòng trừ bệnh trên cá tra, trên tôm. Hầu như các kết quả đó, sau nghiên cứu là chúng tôi ứng dụng ngay cho bà con nông dân.       

*VOH: Nhưng chắc chắn mọi thứ không thể hoàn toàn màu hồng ! Vậy có điều gì mà chúng ta vẫn chưa thể vươn tới trong mục tiêu đã đặt ra?

PGS.TS Dương Hoa Xô: Mặc dù phát triển nhanh, được thành phố đầu tư cơ sở vật chất, đồng bộ trang thiết bị và số lượng con người như vậy nhưng trung tâm vẫn thiếu các nhà khoa học đầu ngành. Đặc biệt, công nghệ sinh học phục vụ cho lĩnh vực rộng lớn, hầu hết các mảng đời sống xã hội nhưng chúng tôi cũng gặp khó khăn.

Thứ nhất là nguồn nhân lực- nguồn nhân lực này đó có trình độ nhưng còn trẻ, thiếu kinh nghiệm.

Vấn đề thứ hai là giữ nguồn nhân lực. Thật ra lực lượng khoa học của chúng ta thất thoát rất nhiều. Với chế độ lương, thu nhập hiện tại phải tìm cách tháo gỡ, không chỉ phụ thuộc vào ngân sách, (làm sao phải thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học để tăng thu nhập cho cán bộ) thì chúng ta mới giữ được lực lượng này. Đó là điều tôi trăn trở nhất hiện nay.

Muốn vươn tới tương lai, chúng ta phải sử dụng đội ngũ ổn định, có trình độ, mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận những công nghệ mới thì mới xứng tầm là Trung tâm Công nghệ sinh học của thành phố Hồ Chí Minh.   

*VOH: Có ý kiến cho rằng, giữa một đô thị văn minh hiện đại hướng đến đô thị thông minh 4.0 thì nông nghiệp và công nghệ sinh học nông nghiệp sẽ teo tóp, khó có chỗ đứng. Ông có phản biện gì không ?  

PGS.TS Dương Hoa Xô: Tôi cho thế này, hiện thành phố chúng ta đang bị đô thị hóa, đất dành cho nông nghiệp còn lại rất ít. Nhưng ngược lại, chúng ta đi đúng hướng là ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. 

Ví dụ hiện nay Thành ủy, UBND thành phố đã chủ trương trong công nghệ cao, chúng ta phải ưu tiên giống. Nghĩa là trên giá trị 1 ha đất, nếu chúng ta trồng các loại cây có giá trị cao như rau và hoa...thì có thể đạt hàng trăm triệu đồng. Nhưng nếu chúng ta ứng dụng công nghệ để sản xuất giống thì giá trị còn cao hơn rất nhiều! Chưa kể hiện nay có những công nghệ mà trong nông nghiệp đô thị sử dụng rất ít đất nhưng giá trị sản xuất thì rất cao. Cho nên tôi cho rằng, với đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù xu hướng phát triển rất nhanh, đất đai mất đi nhiều nhưng nông nghiệp vẫn tồn tại và tồn tại mãi mãi với xu hướng nông nghiệp đô thị phục vụ cho đô thị lớn. 

*VOH: Chúng ta học tập và áp dụng được gì từ mô hình nông nghiệp của Israel và hợp tác quốc tế có những dấu ấn gì?

PGS.TS Dương Hoa Xô: Nói đến nông nghiệp Israel, đó là nông nghiệp trình độ cao. Ở đây có 2 vấn đề:

Thứ nhất, những người tham gia sản xuất nông nghiệp, xuất phát (tạm gọi) không phải là nông dân. Họ là những người có trình độ, tham gia vào nông nghiệp, coi nông nghiệp là ngành sản xuất, ngành kinh doanh.

Thứ hai, từ đầu họ là những người ứng dụng công nghệ ngay chứ họ không làm nông nghiệp truyền thống. Đặc biệt, nông nghiệp Israel họ rất chú ý đến công nghệ cao, canh tác trên sa mạc nên rất chú trọng vấn đề tiết kiệm nước tưới, kèm theo hệ thống nhà màng, nhà lưới. Vấn đề nữa là họ quản lý được toàn bộ điều kiện sản xuất trên đồng ruộng cũng như trong nhà màng, nhà lưới của họ. Cho nên chúng ta học tập được rất nhiều kinh nghiệm của Israel.

Đối với TPHCM, chúng ta rất hiểu rằng, đất nước chúng ta là đất nước nông nghiệp nên tiếp cận công nghệ mới cũng phải cải biến lại. Nghĩa là chúng ta không áp dụng một cách máy móc. Ví dụ chúng ta có học một phần ở Đài Loan (Trung Quốc), ở Israel, một phần ở Châu Âu với các mô hình nông nghiệp tại Hà Lan. Nhật Bản cũng vậy, chúng ta học rất nhiều ! Nhưng chúng ta chọn mỗi nơi một ưu thế để về áp dụng tại Việt Nam, chứ áp dụng một cách máy móc rất dễ thất bại.

*VOH: TPHCM đang chuyển mình trong bối cảnh 4.0 hiện đại, vậy tương lai và kế hoạch sắp tới của ngành công nghệ sinh học nông nghiệp đặt ra nhiệm vụ gì đáng chú ý?

PGS.TS Dương Hoa Xô: TPHCM đang xây dựng đô thị thông minh, thể hiện trên tất cả mọi lĩnh vực. Nhưng trong nông nghiệp có cách đi hơi khác. Trong nông nghiệp chúng ta ứng dụng công nghệ cao một cách đồng bộ. Đặc biệt vai trò công nghệ thông tin sẽ được ứng dụng và cái “chất thông minh” nằm ở đó ! Có nghĩa, cầm một chiếc điện thoại thông minh, chúng ta có thể điều khiển được hệ thống tưới phun, hệ thống nhiệt độ, hệ thống bón phân.

Hay là chúng ta cũng có thể kiểm soát được toàn bộ quá trình sản xuất của một vị trí nào đó, ví dụ như 1 nhà màng, 1 trang trại chăn nuôi từ khâu đầu đến khâu cuối thành chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất. Và chúng ta có thể tích lũy tất cả trong 1 chiếc máy tính, kiểm soát ở bất kỳ nơi nào! Trong nông nghiệp chúng ta đang làm hướng đó. Tôi nghĩ nếu như vậy chúng ta phải đầu tư nâng cấp lên trong hoạt động nông nghiệp công nghệ cao! 

Vấn đề thứ hai là chúng ta sẽ giảm bớt được lực lượng lao động.Vấn đề thứ ba, đòi hỏi người quản lý phải có trình độ cao thì mới áp dụng được công nghệ thông minh. Đây mới chính là thách thức theo hướng nông nghiệp thông minh phù hợp với điều kiện 4.0 ở thành phố Hồ Chí Minh. 

*VOH: Cám ơn ông!