Diễn đàn xuất khẩu 2020: Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau Covid-19

(VOH) - Diễn đàn xuất khẩu 2020 với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau Covid-19” diễn ra sáng nay 18/11.

Diễn đàn xuất khẩu 2020 được tổ chức nhằm cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp định hướng lại thị trường xuất khẩu, xác định lại giá trị của chuỗi cung ứng và vùng cung ứng nguyên liệu trong trạng thái bình thường mới.

Diễn đàn xuất khẩu
Các chuyên gia, diễn giả tại Diễn đàn xuất khẩu 2020 với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau Covid-19

Khai mạc tại diễn đàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2019, kinh tế thành phố vẫn giữ tốc độ tăng trưởng khá và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân đạt 8,3%/năm.

Tỷ trọng kinh tế thành phố trong kinh tế cả nước tiếp tục tăng, đến năm 2020 chiếm hơn 22% GDP cả nước, khẳng định là đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước. GRDP bình quân đầu người tiếp tục tăng liên tục qua các năm, năm 2019 gấp 1,26 lần năm 2015. Chất lượng kinh tế được cải thiện, cơ bản phát triển kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ.

Ngành thương mại của thành phố phát triển theo hướng hiện đại, nhất là thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Hệ thống phân phối hiện đại đã phát triển về số lượng và chất lượng, gia tăng lưu thông hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu của thành phố tăng trưởng bình quân 9,73%/năm. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng sản phẩm chế biến tiếp tục được nâng lên, nhóm hàng công nghiệp chiếm 80,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu đa dạng, không lệ thuộc một thị trường, một đối tác.

Ông Lê Thanh Liêm bày tỏ: “Lãnh đạo Thành phố hy vọng, diễn đàn xuất khẩu thường niên sẽ là cơ hội phát huy vai trò cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp định hướng lại thị trường xuất khẩu, xác định lại giá trị của chuỗi cung ứng cũng như vùng cung ứng nguyên liệu trong trạng thái bình thường mới. Tôi tin rằng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, cùng sự đồng hành của cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố trong hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp thành phố sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của kinh tế thành phố”

Ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM thông tin thêm, GDP 9 tháng năm 2020 tăng trưởng dương 2,12% (thuộc số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương); xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2020 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 229,27 tỷ đô la Mỹ; thặng dư thương mại kỷ lục với giá trị gần 19 tỷ đô la Mỹ; EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8; RCEP được ký kết ngày 15/11… mở ra rất nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam bứt phá.

“Hiệp định RCEP với sự tham gia của 15 thành viên tạo ra thị trường với quy mô khoảng 2,2 tỷ dân, chiếm khoảng 30% dân số thế giới. GDP của khu vực này khoảng 26 tỷ đô la Mỹ, khoảng 30% GDP của toàn cầu. Đây là khu vực tạo ra thương mại lớn nhất thế giới” - ông Nguyễn Hữu Tín cho hay.

Diễn đàn xuất khẩu 2020, xuất khẩu
Đại diện doanh nghiệp nêu vấn đề khó khăn trong xuất khẩu

Theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Số liệu của Cục Thống kê Thành phố cho thấy, 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 36,710 tỷ đô la Mỹ, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2019.

Các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của thành phố gồm: gạo, cà phê, cao su, thủy sản, lâm sản, máy tính và linh kiện, dệt may, giày dép… Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp thành phố, kế đến là Hoa Kỳ, Hồng Kông, Nhật Bản…

Đánh giá về sự phát triển của thương mại điện tử trong chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại - Công ty Nghiên cứu Thị trường Kantar Worldpanel cho biết, nghiên cứu của Kantar Worldpanel chỉ ra, mua sắm trực tuyến ngày nay đã tiếp cận được hơn một nửa dân số (56%). Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội rất lớn để mở rộng mạng lưới tiêu dùng trên nền tảng số bằng cách khai thác nhóm còn lại, đặc biệt là những người trên 50 tuổi.

Các mặt hàng tiêu dùng mạnh trên kênh thương mại điện tử sau khi đại dịch bùng phát là quần áo (tăng 32%), nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như thực phẩm và đồ uống (tăng 34%), sản phẩm chăm sóc gia đình và chăm sóc cá nhân (tăng 30%), sản phẩm sữa (tăng 22%), thực phẩm em bé (tăng 23%), thiết bị gia dụng cùng với thiết bị điện tử đều tăng 21%...

Hơn 1/3 hộ gia đình ở thành thị mua sắm các sản phẩm FMCG trực tuyến và với khuynh hướng hiện tại, có thể kỳ vọng lượng người mua hàng FMCG tăng lên từ 17-25% mỗi năm.

Ông Nguyễn Huy Hoàng dự báo: “Hiện giờ đã có 56% người dân thành thị có mua sắm thương mại điện tử, tuy nhiên, thương mại điện tử ở Việt Nam đâu đó chỉ mới dưới 10% thôi. Trong vòng 3-5 năm tới, tỷ trọng thương mại điện tử từ 15-20%”.

Với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, hiệp định RCEP mới được ký kết, đang đàm phán 2 FTA, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.