Festival cà phê Tây nguyên - cơ hội khẳng định cà phê Việt Nam trên thị trường

(VOH) - Bắt đầu từ hôm nay 8/3, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2017 được tổ chức. Không chỉ là cơ hội để quảng bá hình ảnh cà phê Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, lễ hội lần này còn là dịp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản cồng chiêng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đến với bạn bè và du khách trong nước cũng như quốc tế.

Năm nay, lấy chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển”, Lễ hội và liên hoan sẽ diễn ra với thời gian dài hơn, bắt đầu từ ngày 8 đến 13/3. Quy mô lễ hội cũng lớn hơn so với mọi năm, với nhiều hoạt động đáng chú ý như hội chợ, triển lãm chuyên ngành cà phê, trưng bày chuyên đề lịch sử cồng chiêng Tây Nguyên.

Đặc biệt, lễ hội lần này có gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên, nông dân sản xuất giỏi của các tỉnh Tây Nguyên tham gia, lễ hội đường phố, đêm hội vào mùa, lễ hội tạc tượng gỗ, đêm hội diễn tấu cồng chiêng của đồng bào 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Ảnh minh họa - Nguồn: HNM

Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL tỉnh Đắk Lắk, cho biết ngoài các nội dung Lễ hội cà phê, Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm nay do Bộ VHTTDL bảo trợ. Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực vùng Tây nguyên sẽ do Ban chỉ đạo Tây nguyên và các Bộ ngành trung ương chủ trì. Tất cả đang rất thuận lợi, đặc biệt là người dân trên địa bàn rất háo hức, du khách ở các tỉnh thành đăng ký tham dự, đặt phòng khách sạn tham dự lễ hội cũng nhiều.

Thành phố Buôn Ma Thuột cũng có 32 quán cà phê tiêu biểu được chọn để tổ chức phục vụ cà phê miễn phí hoặc giảm giá bán cho khách hàng. Đây là những quán cà phê có phong cách phục vụ, pha chế, không gian đặc trưng Tây Nguyên và đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ban tổ chức cũng cho biết, sân bay Buôn Ma Thuột cũng tăng thêm 6 chuyến bay đến và đi để tạo thêm nhiều thuận tiện cho du khách từ Hà Nội - TPHCM đến với Tây Nguyên.

Mục tiêu của việc tổ chức lễ hội là nhằm quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, kêu gọi xúc tiến đầu tư, nâng cao giá trị, khẳng định vị thế của cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cà phê, nhấn mạnh: “Đây là dịp để trao đổi, cung cấp thông tin về những phương thức trồng cà phê theo ứng dụng công nghệ mới, thông tin về những giống mới hiệu quả, cách thức làm sao phát triển cà phê bền vững, đảm bảo chứng nhận quốc tế.”

Không chỉ là diễn đàn trao đổi, xúc tiến, trong khuôn khổ của các sự kiện, doanh nghiệp kinh doanh thu mua, chế biến, sản xuất cà phê ở Tây Nguyên cũng cam kết hỗ trợ bà con nông dân trong việc chăm sóc, tiêu thụ để đảm bảo chất lượng và khẳng định vị thế số 1 của cà phê Việt Nam.

Ông Nguyễn Tấn Kỷ, Tổng giám đốc Công ty Vinacafe, cho hay: “Chúng tôi sẽ cùng ký kết chương trình hỗ trợ phát triển cho cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là bước đi đầu tiên, mục đích là nâng cao, cải thiện đời sống của bà con nông dân trồng cà phê; thông qua việc tăng chất lượng hạt cà phê cũng như tăng năng suất trên một ha. Điều này sẽ dẫn đến sự phát triển bền vững của cà phê Buôn Ma Thuột - thủ phủ của cà phê Việt Nam”.

Lễ hội cà phê Tây Nguyên lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2017 bắt đầu từ 8/3 nhưng chương trình lễ khai mạc chính thức diễn ra lúc 19h30 ngày 10/3 và sẽ được tường thuật trực tiếp kênh Truyền hình Tiếng dân tộc VTV5 và Kênh truyền hình khoa giáo VTV8, Đài truyền hình Việt Nam. Buôn Ma Thuột, hẹn ngày gặp lại sẽ là chủ đề của chương trình bế mạc diễn ra lúc 19h30 tối 13/3.