Giải pháp phát triển thanh long bền vững

(VOH) - Hội thảo về các giải pháp phát triển trái Thanh Long bền vững do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức diễn ra vào sáng 2/10.

Hội thảo là một hoạt động nằm trong Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Thương mại Đông Nam Bộ năm 2019 tại tỉnh Bình Thuận.

Quang cảnh hội thảo Giải pháp phát triển thanh long bền vững tại Bình Thuận

Quang cảnh hội thảo

Theo các chuyên gia, cả nước có gần 55.000 ha thanh long, với sản lượng gần 660.000 tấn. Năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long cả nước đạt hơn 1 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau củ quả cả nước.

Tỉnh Bình Thuận là địa phương có diện tích trồng thanh long nhiều nhất nước với gần 30.000 ha. Hiện đã có gần 10.000 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGap, hơn 260 ha chuẩn GlobalGap, ứng dụng đèn LED, đèn compact, tưới nhỏ giọt xuất khẩu thị trường khó tính...

Hai tỉnh trồng thanh long nhiều tiếp đến là Long An và Tiền Giang. Mặc dù có thuận lợi nhưng thanh long Bình Thuận còn những thách thức để phát triển bền vững. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân Bình Thuận cho biết hội thảo sẽ trao đổi, thảo luận, tìm ra giải pháp hỗ trợ và sản xuất, tiêu thụ thanh long một cách bền vững trong thời gian tới, giúp nông dân Bình Thuận sản xuất ổn định, phát triển kinh tế gia đình.

PGS.TS Mai Thành Phụng, chuyên gia nông nghiệp cho rằng một số vấn đề của sản xuất trái thanh long hiện nay gặp phải là cần tăng năng suất thanh long bình quân cho Bình Thuận, bảo đảm chất lượng thanh long và thị trường tiêu thụ của thanh long. Cụ thể như cần áp dụng quy trình canh tác, sử dụng giống tốt, vệ sinh đồng ruộng, quản lý tổng hợp với các loại sâu rầy dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chuyển sang sử dụng các thuốc sinh học, phân bón hữu cơ, sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất...

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, thanh long nước ta cần những thay đổi, như phải bảo đảm chất lượng thanh long vì thị trường Trung Quốc và EU đã nâng các chỉ tiêu chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quản lý các dịch hại mới phát sinh như bệnh đốm nâu, rệp sáp, ốc, ruồi đục quả, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.... Đặc biệt cần sử dụng các sản phẩm công nghệ sinh học, các tiến bộ kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch, xây dựng mối liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ...

Phát biểu tại hội thảo, đề cập về tiếp thị sản phẩm và cần nâng cao chất lượng thanh long, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, hiện nay Trung Quốc bắt đầu kiểm soát chặt chẽ chất lượng, và Trung Quốc hiện cũng phát triển rất mạnh cây thanh long, tạo áp lực rất lớn với người sản xuất Việt Nam. “Nếu chúng ta không nâng cao chất lượng thanh long lên thì chắc chắn sản xuất, tiêu thụ thanh long sẽ rất khó khăn”, ông Định nhận định.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong ngành cũng giải đáp, thảo luận các ý kiến thắc mắc của nông dân trồng thanh long.

Thị trường chứng khoán 2/10/2019: VN-Index gặp khó trước ngưỡng 1.000 do Bluechips - (VOH) - Phiên giao dịch sáng ngày 2/10, thị trường mở cửa với diễn biến khá giằng co.