Hợp tác du lịch Ấn Độ - Việt Nam sau đại dịch Covid-19

(VOH) - Sau đợt phát động chương trình kích cầu du lịch lần 2 diễn ra vào 23/10, Sở Du lịch TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối du lịch giữa Thành phố với các tỉnh thành miền Trung và miền Bắc.

Đây là thông tin mà ông Lê Trương Hiền Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TPHCM cho hay tại cuộc họp trực tuyến “Hợp tác du lịch Ấn Độ - Việt Nam sau đại dịch Covid-19” do Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM tổ chức.

Theo ông Hòa, Sở Du lịch TPHCM sẽ tiến hành các chương trình liên kết xúc tiến du lịch giữa TPHCM và các tỉnh Tây Bắc trong 2 ngày 11 - 12/11; Đông Bắc vào ngày 16 - 17/11 và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong 2 ngày 27 - 28/11. Các bên phải xây dựng những mục tiêu chiến lược để đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch.

lê trương hiền hòa, kích cầu du lịch
Ông Lê Trương Hiền Hòa phát biểu tại Hội nghị trực tuyến

“Trọng tâm của các buổi xúc tiến lần này của ngành du lịch giữa các địa phương là xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch; phát huy và khai tốt tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch ở mỗi địa phương, xác định vị trí chiến lược và đẩy mạnh kết nối - đầu tư du lịch giữa TPHCM và các tỉnh thành miền Trung và miền Bắc, thu hút khách du lịch và đầu tư đến các địa phương, góp phần phục hồi ngành du lịch sau dịch Covid-19”, ông Hòa nói thêm.

Tại Hội nghị, ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM cũng cho rằng: "Cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 không chỉ đe doạ đến tính mạng của nhân loại mà còn gây gián đoạn quy mô lớn đến tương tác kinh tế, đặc biệt là đối với lĩnh vực du lịch, không có quốc gia nào có thể tránh khỏi sự gián đoạn này kể cả Ấn Độ và Việt Nam. Trên thực tế ngành du lịch ở Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều cùng với lĩnh vực lưu trú".

du lịch Ấn Độ
Du lịch hành hương đến Ấn Độ là sản phẩm khá thành công mỗi dịp đầu năm của các công ty lữ hành VIệt Nam

Ông Madan Mohan Sethi chia sẻ: “Ngành du lịch Ấn Độ cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề. Ấn Độ đón 8-9 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, trong đó có một lượng nhỏ khách du lịch đến chữa bệnh. Lĩnh vực này cùng với lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, khách sạn, hàng không đều bị ảnh hưởng do các biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm cũng như kiểm dịch và hạn chế đi lại.

Hiện nay, Bộ Du lịch, Chính phủ Ấn Độ đang phối hợp với ngành dịch vụ để đưa ra các kế hoạch, sáng kiến mới nhằm thu hút cả khách du lịch trong nước và quốc tế đến Ấn Độ, nhưng nó đã không thành công do vẫn còn hạn chế về du lịch quốc tế và xin cấp thị thực”.

Trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến, ông Trần Phong Bình - Vụ phó Vụ Thị trường Du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, năm 2019, Việt Nam đón gần 170.000 lượt khách từ Ấn Độ, tăng 28% so với năm trước. Các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng đã được triển khai vào năm 2019 và trở thành một yếu tố đóng góp cho sự tăng trưởng lượng khách du lịch giữa hai nước.

Ông Trần Phong Bình chia sẻ thêm: “Trước Covid-19, Việt Nam dự kiến đón gần 20,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong vào năm 2020, tuy nhiên, với Covid-19 đang diễn ra, cho đến hết tháng 9, ngành du lịch Việt Nam gặp nhiều khó khăn như lượng khách quốc tế giảm 71,4%; hơn 200 công ty lữ hành đóng cửa vĩnh viễn và tỷ lệ lấp đầy phòng chỉ đạt 20%”.

Để vực dậy hoạt động lữ hành, lưu trú, tới đây, Tổng cục Du lịch cam kết phối hợp với các tổ chức liên quan trong triển khai các chương trình kích cầu du lịch an toàn nhằm đạt được mục tiêu kép do Chính phủ đề ra: Kiểm soát đại dịch Covid-19 và tiếp tục phát triển hoạt động du lịch trong tình hình mới.