Khi thị trường Châu Âu đã rộng mở: Vào thị trường châu Âu bằng thương hiệu Việt

(VOH) - Việt Nam đang có cơ hội hết sức rõ ràng để tăng trưởng xuất khẩu vào sân chơi lớn Liên minh châu Âu (EU) thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Việc cánh cửa thị trường châu Âu rộng mở với hàng hóa Việt Nam không phải là câu chuyện mang tính thời điểm, mà thực ra là kết quả quá trình nỗ lực đàm phán bền bỉ, lâu dài nhiều năm liền của Chính phủ Việt Nam.

Từ ngày 1/8/2020 trở đi, chúng ta sẽ chứng kiến một giai đoạn sôi động, quyết liệt hơn nữa khi Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế Việt Nam phải cùng nhau nắm bắt cơ hội tiến sâu vào thị trường Liên minh châu Âu.

Nhóm phóng viên VOH thực hiện loạt bài “Khi cánh cửa vào thị trường châu Âu đã rộng mở”, nhằm làm rõ thêm nhiều khía cạnh cũng như làm nổi bật ý nghĩa của cơ hội và thách thức từ sân chơi EVFTA.

Kì 1: “Vào thị trường châu Âu bằng thương hiệu Việt”

Cần tạo dựng hình ảnh cho sản phẩm “Made in Vietnam”

Đến thời điểm này, chúng ta đã ghi nhận rất nhiều ý kiến khẳng định về những cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại. Tuy vậy, để nhận được ưu đãi về thuế quan thì hàng hóa, sản phẩm Việt Nam phải vượt qua các tiêu chuẩn, quy định về kỹ thuật, xuất xứ, chất lượng. Bên cạnh đó, Chính phủ, bộ ngành chức năng cùng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược, sự tính toán ngay từ đầu khi đưa hàng Việt vào châu Âu.

Theo đó, chúng ta không đơn thuần chỉ nghĩ đến lợi nhuận về mặt kinh tế mà phải tạo dựng được hình ảnh và khẳng định thương hiệu, uy tín cho sản phẩm “Made in Vietnam” thuần túy.

sơ chế hạt điều, EVFTA

Sơ chế hạt điều tại nhà máy Hanfimex - tỉnh Bình Phước (Ảnh: Minh Phước).

Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu được các chuyên gia nhận định là một thị trường trị giá 18.000 tỷ đô la Mỹ với gần 500 triệu dân. Với việc gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn, hãy hình dung chỉ cần Việt Nam tăng được 10% so với con số chỉ 2%, tương đương 42 tỷ đô la Mỹ trong tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa của EU trước đây, thì cũng đủ cho nền kinh tế nước nhà thu về con số ngoại tệ khổng lồ.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong năm 2019 năm đầu tiên thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt trên 34 tỷ đô la Mỹ, tăng 8,3%.

Đặc biệt, một số thị trường Việt Nam chưa có FTA còn ghi nhận mức tăng mạnh như Canada gần 30%, Mexico hơn 27% hay Peru tăng tới 40%. Trong khi đó, các chuyên gia phân tích, hiệp định EVFTA thậm chí còn mang đến phân khúc thị trường rõ ràng hơn, với những thuận lợi cụ thể cho nhiều mặt xuất khẩu hàng chủ lực của Việt Nam.

Ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch Công ty Việt Thắng jean – Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may thêu đan TPHCM cho rằng: "EVFTA có tác động rất lớn vào các doanh nghiệp dệt may khi giá trị xuất khẩu vào EU cao hơn rất nhiều so với các ngành khác. Chúng tôi đã đầu tư công nghệ 4.0. Công nghệ này xuất phát từ EU và chúng tôi cũng đã được xuất hàng vào EU và tới đây chúng tôi hưởng được ưu đãi về thuế. Thị trường sẽ mở rộng, tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống như Mỹ hay Châu Á như hiện nay".

Tuy vậy, bên cạnh những tiêu chuẩn chất lượng và đòi hỏi quy cách kỹ thuật, quy định về xuất xứ hàng hóa của Liên minh châu Âu đang vừa đặt ra thách thức, vừa tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam chú trọng hơn đến việc sản xuất bền vững, cũng như tập trung xây dựng thương hiệu thật bài bản.

Dù nhận định điều này đặt ra vấn đề cần giải quyết nhưng ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An vẫn hết sức ủng hộ: “Về vấn đề nhãn mác, tôi ví dụ như gạo Việt Nam nhưng bao bì nhãn mác mang tên thương hiệu của họ. Người ta không cho thương nhân Việt Nam đóng nhãn mác thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam dù vẫn có thể để xuất xứ Việt Nam. Bây giờ mình đàm phán, thương hiệu gạo của doanh nghiệp Việt Nam là phải để trên bao bì, có nghĩa là người Châu Âu ăn gạo Việt Nam phải biết được đó là gạo của thương nhân nào của Việt Nam. Đây là bước tiến và là sự đàm phán rất thành công của Việt Nam”.

Sẽ không còn chỗ cho kiểu làm ăn “chụp giựt”

Sân chơi EVFTA không chấp nhận kiểu làm ăn “chụp giựt”, “treo đầu dê bán thịt chó” khi doanh nghiệp chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, sẵn sàng nhập nguyên liệu giá rẻ không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất rồi dán nhãn mác “Made in Vietnam” và xuất đi EU.

Sân chơi EVFTA cũng không chấp nhận những lô hàng “phập phù” về chất lượng, vốn đã bị “cắt xén” bớt quy trình sản xuất sau vài đợt hàng đầu luôn ổn định – một hiện tượng rất thường xảy ra ở nhiều nhóm hàng xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản.

Cần nhìn nhận rằng, sân chơi EVFTA chỉ hướng đến hợp tác toàn diện, lâu dài và chỉ dành cho những doanh nghiệp, những sản phẩm có được chất lượng ổn định, uy tín thương hiệu và cung cách làm ăn chuyên nghiệp.

Như vậy, để thật sự mở ra cánh cửa vào thị trường EU, hàng hóa Việt Nam không chỉ đơn giản là giải quyết những vấn nạn cũ thời gian qua mà còn phải được nâng lên một cấp độ mới, tiêu chuẩn hóa, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Trên cơ sở này, Bộ ngành chức năng lẫn các doanh nghiệp phải tạo ra được chính sách chú trọng phát triển khoa học - công nghệ một cách chuyên sâu và khẩn trương thực thi chính sách này.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết: “Nhà nước bỏ thời gian rất dài để thương lượng, đạt được Hiệp định này. Trong thời gian tới đây tôi nghĩ vai trò của các hiệp hội ngành nghề rất lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nguồn lực để nghiên cứu Hiệp định hay nghiên cứu các thị trường. Cho nên, tôi nghĩ các hiệp hội, ngành hàng cần nghiên cứu sâu các vấn đề trong Hiệp định, cụ thể là về thuế quan, các vấn đề về điều kiện tiêu chuẩn. Cần có công tác phổ biến thông tin này cho các hội viên để từ đó nắm bắt mục tiêu kinh doanh cụ thể hơn”.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải tự tập trung nâng cao nội lực thông qua chủ động nguồn cung nguyên liệu sản xuất. Dựa trên các quy định của EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên EVFTA…

Song song đó, các doanh nghiệp cũng phải thay đổi phong cách hoạt động, văn hóa doanh nghiệp theo hướng coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất cũng như đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.

Nói đơn giản hơn, một doanh nghiệp có sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng xuất sang EU nhưng bị phát hiện xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường hay bạc đãi, bóc lột người lao động thì cũng sẽ bị EU “cấm cửa”!

Đây là vấn đề mà ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Vina T&T Group, đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản nhận thức rõ ràng: “Để các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu, sản phẩm phải đáp ứng được những chứng nhận của EU. EU tương đối dễ trong việc không cần đàm phán từng loại mà người ta cho tất cả các loại nông sản của Việt Nam, rau củ quả được vào. Nhưng ngược lại người ta có những đòi hỏi như chứng nhận Global Gap cho vùng trồng, phải có chứng nhận ISO cho nhà máy đóng gói và các chứng nhận xã hội… nghĩa là mình không sử dụng lao động dưới 18 tuổi hay không để người lao động làm việc quá 8 giờ và giấy chứng nhận môi trường… Những điều đó mình cần phải chuẩn bị sẵn sang để khai thác thị trường EU”.

Về phía Chính phủ và các bộ ngành chức năng thì cần phải đẩy nhanh tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, cùng với đó là chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách và tăng cường tuyên truyền sâu rộng nội dung hiệp định EVFTA. Rõ ràng, muốn đội ngũ doanh nghiệp phải chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng thị trường đòi hỏi cao như EU thì rất cần sự hỗ trợ về thủ tục hành chính, nguồn lực về vốn vay và thậm chí là tư vấn pháp lý.

Tạo ra một chính sách mới hội đủ các yếu tố này là việc cần làm ngay lúc này bởi theo ông Đặng Hoàng Giang - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam thì các doanh nghiệp châu Âu đã đang tỏ ra “nhanh chân” hơn: “Hiện nay đã có một số tập đoàn, doanh nghiệp, chuyên gia về hạt hàng đầu của Châu Âu nhanh chân vào Việt Nam. Họ cũng đã đầu tư liên doanh mở nhà máy sản xuất và chế biến hạt điều. Về phía góc độ doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng đã quan tâm và chuẩn bị. Doanh nghiệp điều Việt Nam đã tiếp cận trực tiếp, làm việc hiệu quả với đối tác Châu Âu và tìm hiểu những nhu cầu, yêu cầu, tập quán của Châu Âu. Và đặc biệt rất nhiều doanh nghiệp hiện đã nâng cấp, nâng cao cơ sở chế biến sản xuất, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của khách hàng”.

Sau tất cả, nền kinh tế nước nhà có hưởng lợi được từ Hiệp định Thương mại EVFTA hay không hoàn toàn phụ thuộc vào đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam. Ngay từ bây giờ, mỗi doanh nghiệp phải chủ động đầu tư cho con người, máy móc và công nghệ vào hoạt động nghiên cứu phát triển, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và cắt giảm các chi phí sản xuất cũ kỹ, lạc hậu. Đặc biệt, xuyên suốt quá trình tiến vào thị trường Liên minh châu Âu, dù phải trải qua nhiều thách thức đến đâu, bất kỳ sản phẩm Việt Nam nào, từ giày dép, quần áo cho đến nông sản... tất cả phải tuân thủ một quy tắc cốt lõi là làm sao khẳng định được hình ảnh, uy tín, thương hiệu của hàng “Made in Vietnam”.

Minh Hiệp – Ngọc Bích – Minh Phước

Bất động sản công nghiệp trong nước sẽ khởi sắc nhờ Hiệp định EVFTA - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) dự báo sẽ thúc đẩy những biến chuyển tích cực cho thị trường bất động sản công nghiệp trong nước.

Nghiên cứu thông tin báo nêu về khai thác hiệu quả EVFTA - Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét nghiên cứu thông tin báo Vnexpress nêu về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Việt Nam đã sẵn sàng triển khai các hiệp định EVFTA và EVIPA - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng có phát biểu về việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua hai hiệp định EVFTA và EVIPA và kế hoạch của Việt Nam để triển khai hai hiệp định này.