Kho bạc Nhà nước TPHCM: Phấn đấu giải ngân từ 75-80% vốn đầu tư công

(VOH) - Trước áp lực về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, các chủ đầu tư phản ánh thủ tục hành chính vẫn chưa được cải cách triệt để, các đơn vị còn hướng dẫn lòng vòng ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Hai tháng cuối năm nay, Kho bạc Nhà nước TPHCM chạy nước rút, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các dự án bằng 50% của 8 tháng qua với quyết tâm cao nhất, phấn đấu nỗ lực để giải ngân đạt ít nhất đạt từ 75-80% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang.

Về quy trình kiểm soát chi vốn đầu tư công, hiện Kho bạc Nhà nước Thành phố đã có nhiều cải tiến, thực hiện quy trình “một cửa, một giao dịch viên”, giảm bớt 2 khâu, giảm được 2 chữ ký, giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường giao dịch điện tử qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Xung quanh vấn đề này, VOH có phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM 

VOH: Kho Bạc Nhà nước TPHCM được giao kiểm soát gần 5.000 dự án với tổng kế hoạch vốn được giao gần 49.000 tỷ đồng. Xin ông cho biết tiến độ giải ngân của các dự án đến thời điểm hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Tình hình giải ngân năm 2020 tín hiệu rất khả quan so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2020 này giải ngân đã đạt được gấp đôi số tuyệt đối và số tương đối. Năm ngoái, thời điểm này mới chỉ đạt 35-36%, số tuyệt đối mới 9.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 21/8/2020, giải ngân được 21.000 tỷ đồng, đạt 51%. Thông thường khối lượng giải ngân của những tháng đầu năm tốc độ chậm hơn, bởi vì đầu năm phải giao vốn, các thủ tục về khởi công dự án, các thủ tục về lựa chọn nhà thầu… Nói chung, tốc độ giải ngân của những tháng đầu năm luôn luôn chậm. Những tháng cuối năm, thứ nhất là qua mùa khô, thứ hai là những dự án đã được qua thủ tục, hợp đồng, các dự án đầu năm thi công thì khối lượng đến nay mới có khối lượng hoàn thành. Sau khi có khối lượng hoàn thành thì còn làm hồ sơ thủ tục để thanh toán, giải ngân nữa. Hy vọng trong tháng 9, 10/2020, số giải ngân sẽ đạt được tỉ lệ mong muốn là tỉ lệ tối thiểu từ 75-80% theo chỉ tiêu đăng ký phong trào thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ lần thứ 11. Chỉ còn 2 tháng nữa, 2 tháng đó phấn đấu đạt từ 25-30%, tức là trong vòng 2 tháng bằng 50% của 8 tháng.

VOH: Nhiều đơn vị thực hiện giải ngân đạt tỷ lệ cao, nhưng cũng có những đơn vị thực hiện giải ngân thấp, thậm chí có những dự án chưa thực hiện giải ngân. Đối với những đơn vị chậm thanh toán, giải ngân, Kho bạc Nhà nước TPHCM có giải pháp gì để tháo gỡ?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Theo điều 59 Nghị định 63 năm 2019, đối với khoản chậm làm thủ tục thanh toán thì đó là hành vi vi phạm hành chính và sẽ bị xử phạt. Các công trình dự án đã ứng vốn Kho bạc Nhà nước TP để chi trả, nếu trong vòng 3 tháng mà không chi bồi thường được thì phải trả về tài khoản cho chủ đầu tư. Đến hẹn 12 tháng sau, nếu không có khả năng chi trả thì phải làm thủ tục hoàn ứng ngân sách nhà nước. Đó là quy định của Thông tư 52.

Sau khi rà soát lại, thì Kho Bạc thấy có những khoản tạm ứng từ năm 2017, 2018, nghĩa là hết thời hạn quy định lâu rồi, nhưng mà vì suy nghĩ của một số chủ đầu tư làm theo cách cũ, nghĩa là những khó khăn vướng mắc không giải ngân được vốn bồi thường này, thì cứ giữ tài khoản tiền gởi, tài khoản tạm giữ ở Ban bồi thường giải phóng mặt bằng ở quận, huyện, chờ đến khi nào có phương án bồi thường được người dân đồng thuận nhận tiền bồi thường thì có sẵn nguồn tiền để chi trả, mà thật ra là quy định Thông tư 52 là thời gian tối đa chỉ có 15 tháng. 3 tháng là tổ chức chi trả, bồi thường, 12 tháng là để chờ làm thủ tục điều chỉnh dự toán, điều chỉnh phương án, xử lý những tranh chấp về thừa kế, nợ ngân hàng. Còn sau thời hạn tối đa 15 tháng, thì phải nộp hoàn trả cho ngân sách nhà nước. Đó là quy định của Thông tư 52.

Kho bạc Nhà nước mới tiến hành đối thoại với các chủ đầu tư, tìm những giải pháp để tiến hành thu hồi tạm ứng. Xử phạt là biện pháp cuối cùng, không mong muốn nên chưa xử phạt ai cả. Nay thì mới tiến hành hội nghị để quán triệt chủ trương, những quy định của thông tư, nghị định và để lắng nghe ý kiến phản hồi từ các ban bồi thường giải phóng mặt bằng để xem lại nếu họ làm chưa đúng thì hướng dẫn lại cho đúng thôi chứ còn lập biên bản là để ghi nhận hành vi vi phạm để các chủ đầu tư khắc phục ngay. Nếu chưa có thanh toán và chưa chi trả được mà nộp giảm hết ngân sách rồi thì thôi, không có còn là hành vi vi phạm nữa thì sẽ không xử phạt.

VOH: Từ đây tới cuối năm chỉ còn 23 tuần, để đạt được tiến độ giải ngân đạt chỉ tiêu thành phố giao, Kho bạc Nhà nước sẽ làm gì?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng để tiến hành giải ngân cho dự án, và các công trình dở dang chuyển tiếp sang năm 2021 thì cũng phải nghiệm thu các kế hoạch đã hoàn thành để thanh toán vốn cho năm 2020. Việc thứ hai là phối hợp với các sở ngành chuyên môn có liên quan để điều chỉnh kế hoạch vốn mà gặp khó khăn không có khả năng giải ngân năm 2020 điều chỉnh sang tăng vốn cho các dự án có khả năng hấp thu vốn trong năm.

Cuối cùng thông qua biện pháp cải tiến quy trình thủ tục để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ, phục vụ cho khách hàng thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Chúng tôi phấn đấu đến 30/9, thì sẽ hoàn tất chỉ tiêu 100% hồ sơ chứng từ được giao dịch bằng phương thức giao dịch điện tử qua hệ thống Kho Bạc Nhà nước. Đó là giải pháp của Kho Bạc trong thực hiện vốn đầu tư công năm nay.

Xin cảm ơn ông.

Lệ Loan

TPHCM: Ưu tiên hàng đầu công tác phòng, chống dịch trong thực hiện mục tiêu kép - Trong cuộc họp giao ban hàng tuần về phòng, chống dịch Covid-19, UBND TPHCM yêu cầu các sở-ngành, quận-huyện tiếp tục thực hiện