Không được thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần

(VOH) - Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra trên 63 tỉnh thành trong cả nước do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam chủ trì.  

Theo đó, ngay trong chiều nay 17/5, chỉ thị mang số hiệu 20 được Thủ tướng ký để chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra sau khi nghe các doanh nghiệp nêu về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Quyết định này nhận được tán thưởng bằng tràng pháo tay của hội trường.

Thủ tướng công bố với các doanh nghiệp tại Hội nghị Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trấn an rằng, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cần yên tâm, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.

Thủ tướng cho hay, trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã tạo mọi điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp, mặc dù chưa hoàn thiện, nhưng so với Hội nghị lần trước tổ chức tại TPHCM thì tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều. Lần này chủ yếu là các ý kiến góp ý, cách làm cụ thể, phương pháp tính tóan cụ thể để giảm phiền hà cho doanh nghiệp. 

“Chúng tôi đã ban hành 50 nghị định, nghị định đầu tư kinh doanh, cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; các bộ, các ngành tích cực rà soát cắt giảm nhiều thủ tục giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Các tỉnh, thành địa phương trong cả nước cần tích cực triển khai, thực hiện kê khai nộp thuế điện tử, tiếp cận các dịch vụ công: Đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan… những chi phí này đang có xu hướng giảm. Cụ thể là năm 2015 là 28%, năm 2016 giảm còn 18,8%, năm 2017 và những năm tiếp theo tiếp tục giảm", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam kiến nghị giải pháp cải thiện quy chế cho doanh nghiệp để chiếm lĩnh các ngành công nghiệp mới và xóa bỏ rào cản phi thuế quan giữa hai nước Việt – Hàn; Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ kiến nghị một số nội dung về an toàn thực phẩm, thanh toán kinh doanh; kinh doanh vận tải; quy định về tăng bậc lương và các khoản đóng bắt buộc; ký kết hiệp định tương trợ hải quan giữa Việt Nam với Hoa Kỳ... Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị Chính phủ có giải pháp đẩy mạnh cải thiện tín minh bạch trong đầu tư, nhất là trong các quy định của pháp luật. Vừa qua Chính phủ đã đạt được những thành tựu trong lĩnh vực hải quan, thuế,... đại diện doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện các khởi xướng mạnh mẽ nhất để thực hiện được những điều chưa từng có từ trước tới nay.

Toàn cảnh hội nghị

Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty KOSY đề xuất giải pháp giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng dự án theo cơ chế tự thỏa thuận; thời điểm xác định giá đất và quyền sử dụng đất; thu hồi các dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, nên đánh thuế lũy tiến hoặc phạt tiền, tránh "thu hồi trắng" tài sản của nhà đầu tư.

“Xin kiến nghị với Thủ tướng, đối với những dự án giải phóng mặt bằng theo cơ chế tự thỏa thuận, nên đưa ra quy định: nhà đầu tư tự thỏa thuận được tối thiểu 70%, nhà nước quyết định. Có hai phương thức: Nhà nước quyết định thu hồi đất đối với những trường hợp không đồng thuận. Và phương thức thứ hai là nhà đầu tư được khởi kiện ra tòa, tòa sẽ quyết định mức giá bồi thường và tổ chức thi hành án. Kính đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chỉ đạo”ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty KOSY. 

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời, giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp. Bộ trưởng cho biết thời gian qua đã tổ chức hơn 1000 cuộc đối thoại; trả lời hàng chục ngàn kiến nghị của doanh nghiệp gửi tới. Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp,...Thời gian tới Bộ sẽ tập trung cải cách hành chính, cầu thị lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện các chính sách về tài chính để tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng cũng trả lời các kiến nghị về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xe ô tô nhập khẩu; thuế xuất khẩu các mặt hàng xi măng, thép, tôn, dây điện; áp dụng thuế với máy móc nông nghiệp chuyên dùng,... do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi trước thềm hội nghị.

Về vấn đề đối thoại với doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "“Hoan nghênh các bộ ngành địa phương vừa rồi đã có nhiều đối thoại. Tôi cũng trực tiếp tham gia đối thoại, sau khi các bộ ngành đối thoại mà doanh nghiệp vẫn bức xúc. Qua đối thoại thì thấy, thống kê mấy lần 14 vấn đề. Các bộ ngành đối thoại rồi, các doanh nghiệp không chịu. Nhưng đối thoại cụ thể ở đó thì có 3 vấn đề: các bộ, ngành không đúng và phải sửa theo doanh nghiệp. Còn lại, doanh nghiệp cuối cùng sau khi nghe lập luận lại, thì đều vỗ tay và đồng ý với nhà nước. Nhưng rất thoải mái, có trao đi, đổi lại chứ không phải nói một chiều áp đặt". 

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng đề nghị Chính phủ tăng cường kiểm tra việc thực hiện ở cấp dưới, xử lý nghiêm một số trường hợp vi phạm để răn đe. Đồng thời rà soát lại các thủ tục hành chính, sửa đổi những bất cập, đẩy mạnh công khai minh bạch. Về phía ngành kiểm sát, sẽ nghiên cứu, "vá" những sơ hở để ngăn chặn những hành vi trục lợi bất chính; kiên quyết xử lý những trường hợp gian dối; quyết tâm bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự; kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi những quy định không phù hợp để doanh nghiệp phát triển. 

Về vấn đề này, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: “Vai trò của Nhà nước là tạo ra môi trường, sân chơi, luật chơi bình đẳng, vai trò của Chính phủ là kiến tạo, xác lập môi trường cạnh tranh bình đẳng để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, huy động mọi nguồn lực, trí tuệ của người dân để phát triển kinh tế. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, giảm bỏ các thủ tục phiền hà giảm thời gian, qua đó giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực thi hành công vụ. Đặc biệt, mỗi cán bộ thi hành công vụ phải biết lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, nạn phong bì, lọai bỏ chi phí ngoài luồng, xử lý nghiêm minh các vi phạm”.

Tại hội nghị có các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, gần 10.000 đại biểu ở các điểm cầu và 2.000 đại biểu trực tiếp tham dự, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200  đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 100 đại biểu từ các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa./.