Khuyến nông với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(VOH) - Ngày 8/11, tại TPHCM, 22 đơn vị khuyến nông, sở ngành nông nghiệp tỉnh, thành phố và doanh nghiệp nông nghiệp tham gia Hội nghị khuyến nông đô thị đợt 2 năm 2019.

Khoảng 250 đại biểu tham dự hội nghị.

Theo các đại diện khuyến nông các tỉnh, TPHCM, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế,... sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh, thành phố chiếm tỷ trọng từ dưới 1% đến 10% tỷ trọng giá trị sản xuất của địa phương. Tại các đô thị, đất cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nên sản xất nông nghiệp đã và đang theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, chất lượng và hiệu quả cao.

Khuyến nông với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hội nghị khuyến nông đô thị đợt 2 năm 2019.

Hiện các đơn vị khuyến nông các tỉnh, thành phố đã và đang hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong canh tác rau, hoa cây cảnh, nuôi bò heo, thủy sản,...

Các tỉnh, thành phố đặt mục tiêu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ lệ từ 30% đến 70% vào năm 2020. Cụ thể như TPHCM, với gần 67.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của trên 25.000 hộ nông dân, trong đó 70% lao động được đào tạo. Giá trị sản xuất năm 2019 ước khoảng gần 23.400 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với 2009.

Theo định hướng đến năm 2020, giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 60% đến 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM cho biết: "Định hướng phát triển nông nghiệp TPHCM tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 10, giai đoạn 2016 – 2020, xác định rõ, TPHCM phát triển nông nghiệp đô thị, hiện đại, hiệu quả và bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học. T

hứ hai, TPHCM là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao và an toàn trong khu vực. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp phải bảo vệ môi trường, đáp ứng tốt nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá kiểng và sữa bò cho thị trường gắn với phát triển du lịch mang đặc trưng của thành phố".

Trong hoạt động khuyến nông ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đòi hỏi cán bộ khuyến nông phải có trình độ, khả năng để hỗ trợ nông dân, ông Đặng Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ngư Nông Lâm TP Đà Nẵng cho rằng: "Người đi chuyển giao phải được đào tạo và nâng cao năng lực, khả năng để chuyển giao cho nên, công tác khuyến nông đào tạo tập huấn... là một vấn đề rất quan trọng".

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM kỳ vọng: "Diễn đàn hôm nay sẽ tạo điều kiện cho các nhà quản lý, các chuyên gia và các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi về các giải pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, để nhân rộng hiệu quả và nâng cao vai trò khuyến nông đối với sản xuất nông nghiệp.

Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị cơ quan khuyến nông nghiên cứu hình thành một diễn đàn trên mạng Internet và đây sẽ là nơi tạo cơ hội giao lưu, các doanh nghiệp sẽ giới thiệu công nghệ, người sản xuất sẽ chia sẻ cách làm, kết quả ứng dụng với mong muốn nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được nhân rộng, đem lại lợi nhuận tốt, sản phẩm tốt cho người tiêu dùng và nâng cao tốc độ phát triển cho ngành nông nghiệp".