Kinh tế Việt Nam: Niềm tin và động lực cho năm mới

(VOH) - Năm qua, kinh tế nước ta tạo được dấu ấn, bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng.

Kinh tế vĩ mô ổn định, GDP năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với hơn 7%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6-6,8%, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực thực hiện để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã được nâng lên 266 tỷ đô la Mỹ, bình quân đầu người đạt 2.800 đô la Mỹ/năm. Đây là con số rất có ý nghĩa… Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam, đặt ra mục tiêu hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, tạo nền tảng vững bền trong giai đoạn tiếp theo.

Phóng viên VOH phỏng vấn Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương xung quanh vấn đề này.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: dantri

*VOH: Năm 2019 kinh tế Việt Nam đã được nhắc đến với nhiều chữ nhất: tăng trưởng GDP 9 tháng đạt gần 7%, cao nhất 9 năm qua, CPI có mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua, vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, thu ngân sách cũng là năm đầu tiên đạt 1 triệu tỷ đồng.... những cái nhất này có thực sự đáng mừng không?

- Tiến sĩ Võ Trí Thành: Tôi nghĩ là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, tăng trưởng giảm tốc, tăng trưởng thương mại cũng giảm tốc. Rất nhiều bất định về rủi ro thì tôi nghĩ là thành tích, kết quả mà kinh tế Việt Nam có được tôi nghĩ là đáng khích lệ, tích cực trên cả hai góc độ: Góc độ tăng trưởng kinh tế và góc độ ổn định kinh tế vĩ mô, và không phải chỉ là câu chuyện lạm phát tương đối thấp, rất nhiều các khía cạnh khác liên quan đến thâm hụt ngân sách cũng được cải thiện, liện quan đến dự trữ ngoại hối, liên quan đến sự ổn định tương đối của lãi suất, tỉ giá… Rồi liên quan đến sự lành mạnh có phần tốt hơn của hệ thống ngân hàng thì tôi nghĩ đây là tín hiệu tích cực.

*VOH: Kinh tế thế giới năm 2020 dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Cùng với những kết quả đáng mừng trong năm 2019 của kinh tế Việt Nam,  đâu là những yếu tố chúng ta cần phải nhìn lại để cải thiện, nâng chất trong năm 2020 này?

- Tiến sĩ Võ Trí Thành: Vẫn còn nhiều vấn đề chúng ta phải quan tâm. Có 3 vấn đề lớn ở đây, thứ nhất, đứng về năm nay và năm sau, thì với thế giới vẫn vậy, tăng trưởng giảm tốc, bất định rủi ro còn nhiều, tăng trưởng của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chững lại trên một số khía cạnh. Cái rõ nhất chúng ta thấy là 9 tháng đạt được gần 7,1%, cả năm có thể đạt 1%, ngành công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng của chúng ta, nhưng bắt đầu sản xuất công nghiệp chậm lại, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại. 9 tháng là 8,2% nhưng đến 11 tháng chỉ còn có trên 7%, và chúng ta dự tính là cả năm cũng trên 7% và như vậy đang có dấu hiệu chậm lại, đơn đặt hàng cũng có dấu hiệu chậm lại trên một số lĩnh vực.

Như vậy, với bối cảnh bất định bên ngoài thì liệu xu thế này còn tiếp tục không. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công vẫn rất chậm và đầu tư nhà nước vẫn chiếm bằng 1/3 tổng đầu tư toàn xã hội, và gắn rất nhiều vơi hạ tầng. Rõ ràng, để tạo ra được cú hích mới cho tăng trưởng, vẫn còn những điểm lo ngại. Và tôi phải nói thế, trước đây, đầu tư hạ tầng cho Việt Nam chiếm khoảng 10% GDP, chưa nói đến vấn đề chất lượng là cái chúng ta cần phải có, thì bây giờ, tỉ lệ đầu tư cho hạ tầng còn có trên 6% và theo rất nhiều tính toán là phải 8% thì hạ tầng ấy mới theo kịp sự đòi hỏi của phát triển kinh tế, đòi hỏi về sự tăng trưởng.

Nhìn chung, mô hình tăng trưởng suốt 5 năm qua chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt. Thứ hai là chuyển biến trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ số sang chất vẫn chưa rõ. Thứ ba, đâu đó vẫn còn câu chuyện giải quyết căn cơ vấn đề thu chi, thâm hụt ngân sách chưa phải là đã rất tốt. Thứ hai, liên quan đến vấn đề đằng sau ổn định kinh tế vĩ mô, ví dụ, một số ngân hàng, rủi ro vẫn còn quá lớn. Nợ xấu, tỉ lệ giảm so với nghị quyết 42 của Quốc hội cách đây 2 năm, thế nhưng vẫn có một số khoản nợ xấu, đặc biệt nhóm 4, 5 lại tăng lên. Chưa nói đến vấn đề cải cách, cơ cấu nữa, doanh nghiệp nhà nước chậm… Đó là những vấn đề, do đó, tôi mới nói, không thể chủ quan, không nên quá hồ hởi.

*VOH: Như ông vừa phân tích thì có thể thấy, năm 2019 với nhiều yếu tố mới của nền kinh tế thế giới và những vấn đề nội tại của kinh tế Việt Nam được cho là sẽ tạo ra nhiều thách thức với kinh tế trong nước. Vậy theo ông, đâu là các yếu tố động lực cho năm 2020?

- Tiến sĩ Võ Trí Thành: Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay thì cần tăng cường quản trị rủi ro, tính toán các phương án khác nhau để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế vĩ mô, nếu như có các cú sốc, đặc biệt là các cú sốc từ bên ngoài xảy ra. Một động lực rất rõ là giải ngân đầu tư công, cùng với chất lượng cũng như tạo môi trường kinh doanh tốt hơn nữa cho khu vực tư nhân phát triển, nó vừa là động lực quan trọng. Cuối cùng là thông điệp ổn định, thông điệp cải cách, bởi vì một thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay, là làm sao hài hòa hóa được cả 3 vấn đề: xử lý bức xúc ngắn hạn, tập trung chuyển đổi dài hạn, cải cách và tạo động lực để cho bộ máy làm việc vừa chuyên nghiệp, minh bạch mà nó trôi chảy.  

*VOH: Với các điều kiện khác mà Chính phủ đã kiến tạo trong những năm qua, năm 2020 các yếu tố ấy sẽ phát huy thế nào vào phát triển bền vững? Và vấn đề “bứt phá” mà Thủ tướng và Chính phủ đã nhấn mạnh, trọng tâm của “bứt phá” sẽ nằm ở đâu?

- Tiến sĩ Võ Trí Thành: Tôi nghĩ rằng có hai điều quan trọng nhất: Thông điệp và hành động thể hiện được thông điệp ấy, thật ra tất cả chúng ta đã đặt lên bàn rồi. Thời gian qua chúng ta thấy, điều chưa phát huy được những cái chúng ta đặt lên bàn về cải cách, về thúc đẩy tăng trưởng… đó là do bộ máy vận hành thiếu trơn tru, nó không chỉ là câu chuyện trách nhiệm, câu chuyện chuyên nghiệp, câu chuyện minh bạch, mà là câu chuyện động lực gắn với trách nhiệm và gắn với cái để họ làm, họ không phạm sai. Chúng ta có chấp nhận sai lầm để bộ máy làm? Cái nữa cũng rất quan trọng tôi nói đó là niềm tin. Trong năm Đại hội Đảng này, thì niềm tin này lại càng quan trọng hơn. Niềm tin không phải cho năm 2020, mà niềm tin cho một năm mới, đặc biệt là gắn với môi trường kinh doanh và khu vực tư nhân phát triển.

*VOH: Cảm ơn ông.