Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ

(VOH) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Quyết định 132, giao Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Dự án có mục tiêu tăng cường loại hình vận tải bằng đường sắt để kết nối TPHCM với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian thực hiện việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt trên là năm 2021 - 2022.

Theo quyết định của Bộ GTVT, kinh phí để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ được lấy từ ngân sách nhà nước, và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Bản đồ tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ theo quy hoạch
Bản đồ tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ theo quy hoạch

Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ thuê tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai lập báo cáo theo quy định hiện hành.

Theo quy hoạch ban đầu mà Bộ GTVT duyệt, đường sắt TPHCM - Cần Thơ có tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677 km với 14 ga, bắt đầu từ ga tàu An Bình (Bình Dương) đến Cần Thơ đi qua các tỉnh, thành gồm: Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 10 tỉ USD.

Tuy nhiên, sau nhiều lần họp bàn, đại diện 5 tỉnh thành liên quan đã thống nhất phương án với đơn vị nghiên cứu đề xuất (Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam) là rút ngắn tuyến còn 139,7 km với 9 ga, chạy song hành với đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu.

Trước đó, đại diện Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam cho biết Viện đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với Quỹ Morfund của Canada với quy mô vốn đầu tư cho dự án là 6,3 tỉ đô la Canada (tương đương 5 tỉ USD). Theo phương án tài chính đang trình TP.HCM, công trình này sẽ được đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư).

Qua công tác khảo sát, nghiên cứu trên cơ sở ý kiến của các địa phương, một nhà đầu tư quan tâm, các đơn vị kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt này theo hướng đi song song với TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận - Cần Thơ, giảm số lượng nhà ga và một số chi phí khác để giảm vốn đầu tư.

Theo chiến lược và quy hoạch phát triển đường sắt, dự kiến lộ trình nghiên cứu, đầu tư dự án đường sắt trên là sau năm 2020.