Luật Cạnh tranh sửa đổi phải đảm bảo sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế

(VOH) - Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại hội trường trong phiên họp sáng 15/11.

Phóng viên VOH đã phỏng vấn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình xung quanh dự án luật này.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh minh họa

*VOH: Thưa ông! Luật cạnh tranh sửa đổi lần này sẽ tạo điều kiện minh bạch hóa thị trường cạnh tranh như thế nào?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết phải nói rằng, Luật Cạnh tranh là một trong những bộ Luật nền tảng của kinh tế thị trường. Có người ví nó như Hiến pháp của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, qua 12 năm thực hiện Luật cạnh tranh, kết quả mang lại chưa như mong đợi. Thực sự, tác động của Luật Cạnh tranh đối với việc đảm bảo môi trường cạnh tranh trong nền kinh tế nước ta thời gian qua không đáng kể. Suốt 12 năm, mới chỉ có 8 vụ được đưa ra xét xử, nghĩa là một năm chỉ có 0,5 vụ.

Điều đó cũng có nghĩa là Bộ Luật cạnh tranh thời gian qua chưa phát huy tác dụng. Bây giờ, Quốc hội đang xem xét, sửa đổi luật này theo tinh thần quy định cụ thể hóa hơn, minh bạch hơn, và làm sao cho bộ luật cạnh tranh thực sự trở thành công cụ, đảm bảo môi trường cạnh tranh. Khi đảm bảo cạnh tranh có nghĩa là đảm bảo được sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn đóng góp thêm một số nội dung để hoàn chỉnh thêm, tránh những quy định chung chung, không đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện luật này.

*VOH: Trong kỳ họp vừa rồi, có ý kiến của ĐBQH cho rằng dự thảo Luật mới chỉ quy định một cách định tính về các căn cứ đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh chứ chưa có tiêu chí để đánh giá tính tác động hoặc khả năng gây tác động của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Ở lần sửa đổi này, ông thấy dự thảo Luật đã thay đổi hay chưa?

Ông Vũ Tiến Lộc: Rất cảm ơn Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và đã hoàn chỉnh bản dự thảo để trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, đối với một số nội dung, tôi đề nghị vẫn cần phải xem xét, điều chỉnh trước khi trình Quốc hội thống nhất thông qua.

Thứ nhất, ở một số lĩnh vực có tính chất đặc thù như viễn thông, tài chính, ngân hàng phải được loại trừ trong luật này. Bởi theo hướng dẫn của ASEAN, mỗi nước xuất phát từ tình hình kinh tế của mình có thể có một số lĩnh vực khi có mâu thuẫn giữa luật chuyên ngành và luật cạnh tranh thì áp dụng luật chuyên ngành. Ở đây ngành tài chính, ngân hàng, viễn thông đề nghị phải ghi rõ là áp dụng theo luật chuyên ngành để đảm bảo sự can thiệp cần thiết của Nhà nước trong những trường hợp cụ thể.

Thứ hai, tất cả những quy định có liên quan tới mức độ tập trung kinh tế phải được quy định cụ thể chứ không quy định chung chung. Không căn cứ vào doanh số mà căn cứ vào tỷ trọng chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp đó và nên được quy định cụ thể trong luật. Tôi cũng đề nghị nên bổ sung vào trong luật này quy định việc các cá nhân, tổ chức có liên quan, được quyền kiện ra tòa án chứ không phải chỉ có một cách là kiện qua cơ quan quản lý cạnh tranh.

*VOH: Riêng đối với những doanh nghiệp nước ngoài, Luật cạnh tranh sửa đổi có điều chỉnh như thế nào để phù hợp hơn với bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay?

Ông Vũ Tiến Lộc: Luật Cạnh tranh cần phải quy định một số lĩnh vực đặc thù nhưng rất ít thôi!. Thêm vào đó, cơ quan quản lý cạnh tranh, điều quan trọng là không phải nằm ở đâu cả mà chính là tính độc lập của nó cũng như hiệu quả của việc xử lý các vụ việc cạnh tranh. Tôi cũng thiên về ý kiến của Chính phủ, Cơ quan cạnh tranh quốc gia nên trực thuộc Bộ Công thương nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập cao cũng như hiệu quả công việc hơn là thành lập mới một cơ quan trực thuộc chính phủ để làm công việc này.

*VOH:Xin cảm ơn ông!