Luật đấu giá cần chấm dứt chuyện "quân xanh, quân đỏ"

(VOH) - Hội thảo góp ý dự án Luật đấu giá tài sản diễn ra vào sáng nay 27/9 tại TPHCM do ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì.

Dự thảo Luật đấu giá tài sản được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương, 79 điều, trong đó có bổ sung thêm một số điểm, khoản quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, rà soát, bổ sung các loại tài sản đấu giá như: tài sản nhà nước, đất đai, thi hành án… 

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho rằng, tài sản bán đấu giá của Cục Hải quan thường là những hàng hóa tồn đọng ở sân bay, cảng biển, hàng vô chủ để quá 90 ngày, xác lập quyền sở hữu của nhà nước rồi mới bán đấu giá. Điều 37 đề cập đến “tiền đặt trước” trong Dự thảo Luật quy định, có sự thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá, tiền “đặt trước” tối thiểu từ 5%-20%. Ông Hùng cho rằng, người có hàng và mua hàng mà tự thỏa thuận với nhau là dễ phát sinh tiêu cực, trong khi đây là tài sản của nhà nước. Đại diện Cục Hải quan đề nghị, trong xây dựng Luật phải xác định rõ vấn đề này.

Nêu hiện tượng “quân xanh, quân đỏ, chân gỗ” dẫn đến tiêu cực trong bán đấu giá, Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch – nguyên Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố dẫn chứng, trường hợp người muốn mua miếng đất, căn nhà tốt, tự nhiên có lực lượng đến ngăn cản người khác tới đấu giá mà không ai dám làm gì. Tương tự một trường hợp khác, người có nhà thế chấp, sau đó, có người cấu kết, bán rẻ nhà của họ. Vấn đề đặt ra là Luật này có chế định, khắc phục, lành mạnh hóa vấn đề đấu giá, tạo công bằng hay không.

“Bộ Luật hình sự mới bỏ điều 165, tức là điều tội cố ý làm trái. Như vậy, những tội vi phạm điều 8 này quy định, điều nào dùng để xử lý hình sự? Còn nếu không rà những Luật đó, những quy định này, sẽ trở thành câu “khẩu hiệu” không xử lý được, đó là điều cố yếu của Luật này”- Tiến sĩ Trần Du Lịch đặt vấn đề.

Liên quan đến vấn đề mua nợ, đối với doanh nghiệp bán đấu giá và đấu giá nợ xấu, theo ông Trần Du Lịch, hai lĩnh vực này hoàn toàn khác và cho rằng, điều chúng ta thiếu hiện nay là thị trường mua bán nợ. Việc mua nợ hiện nay dựa trên sự thương lượng đôi bên mua nợ để giải quyết vấn đề nợ tồn đọng, khác hoàn toàn với đấu giá.

Tiến sĩ Trần Du Lịch nêu hiện tượng “quân xanh, quân đỏ, chân gỗ” dẫn đến tiêu cực trong bán đấu giá.

Ông Lịch cho rằng, việc mua nợ trong khi đang mắc nợ mà các công ty mua bán nợ mua lại, thì đó là thị trường mua bán nợ, không phải đấu giá nợ. Còn tài sản thế chấp mà siết tài sản để bán, là phải thông qua đấu giá.

Lâu nay, có sự nhập nhằng giữa những thủ tục quyền của chủ nợ trong vấn đề thế chấp tài sản, trong khi đó, ngân hàng đứng ra bán tài sản thế chấp này thì vô cùng phức tạp. Luật ở các nước, khi thế chấp tài sản hết hạn không trả, thì coi như tài sản đã chuyển cho tổ chức tín dụng và họ hoàn toàn có quyền đứng ra thuê bán.

Giám đốc Trung tâm Bán đấu giá Tài sản - Phạm Văn Sĩ cho rằng, Luật phải quy định xử lý chế tài về tiền đặt trước đối với người thông đồng dìm giá

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Trần Du Lịch về xử lý chế tài trong đấu giá khi thông đồng, dìm giá, ông Phạm Văn Sĩ-Giám đốc Trung tâm Bán đấu giá Tài sản cho rằng, Bộ Luật mới quy định xử lý hình sự theo khung, tiền, còn xử lý tiền đặt trước đến đâu, quy trình ra sao sẽ đưa vào quy chế đấu giá. Ông Sĩ nhấn mạnh, Luật phải quy định xử lý chế tài về tiền đặt trước đối với người thông đồng dìm giá:

“Không thể nào để tình trạng một người vô mua “vô tình”, và một người “cố tình” không phải mua để trục lợi. Mà trục lợi theo nghị định 110, xử lý về hành chánh, Tư pháp lại chỉ có đấu giá và phạt 20 – 30 triệu đồng là xong. Tất cả tiền đặt trước phái trả lại cho người ta. Như vậy, vô hình trung, xã hội lên án vấn đề quân xanh, quân đỏ, trục lợi nhưng Luật chúng ta vẫn không có biện pháp chế tài. Riêng Luật đấu giá, chúng ta vẫn chưa áp dụng được xử lý tiền đặt trước về thông đồng dìm giá”

Ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy-Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì “Hội thảo góp ý dự án Luật đấu giá tài sản”.

Đánh giá cao các góp ý, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị: “Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp Luật là chức năng, nhiệm vụ quan trọng của đại biểu Quốc hội. Luật đấu giá tài được ban hành có chất lượng giúp cho nhà nước, doanh nghiệp, người dân, tổ chức, đơn vị, cá nhân tránh lãng phí tài sản”

Luật đấu giá tài sản cần có quy định chế tài chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp tài sản đưa ra đấu giá.