Mặt bằng cho thuê - bao giờ hết ế ẩm?

(VOH) - Kể từ tháng 4/2020 đến nay, đặc biệt là khi dịch Covid-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng, thị trường bất động sản cho thuê ở TPHCM rơi vào tình trạng ảm đạm, ế ẩm kéo dài.

Khách thuê thì cân nhắc lời lỗ để cân đối bài toán kinh doanh trong khi chủ nhà thì cam đoan đã giảm giá thấp nhất có thể chịu đựng để hỗ trợ. Chính vì vậy, đa số mặt bằng vẫn để trống nhiều tháng qua.

Từ mặt tiền trước chợ Sài Gòn qua các ô kính các sạp hàng đều ngưng bán, các con phố sầm uất ở các tuyến đường trung tâm Thành phố như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lai, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng (quận 1) cho đến các địa bàn nằm ngoài lõi trung tâm như đường Tô Hiến Thành, Cách Mạng Tháng 8, (quận 10), Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), Hoàng Diệu, Nguyễn Tất Thành (quận 4)… những bảng thông báo cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng hiện lên nhan nhản.

mặt bằng ế
Nhiều mặt bằng ở các trục đường đắc địa tại quận 1 treo bảng cho thuê suốt nhiều tháng qua nhưng chưa có người mua.

Dọc đường Đồng Khởi, đoạn chạy song song với Phố đi bộ Nguyễn Huệ trước đây vốn là con phố sầm uất với nhiều cửa hàng bày bán đồ thời trang, đồng hồ… đắt tiền. Thế nhưng, sau 2 đợt dịch Covid xảy ra, những người thuê trước đây không đủ khả năng để duy trì mặt bằng do kinh doanh ế ẩm, khách hàng vắng tanh nên trả lại mặt băng cho chủ nhà.

Theo khảo sát của phóng viên, giá thuê ở khu vực này hiện được các chủ nhà cho thuê từ 30 - 60 triệu đồng/tháng cho diện tích từ 15 - 40 mét vuông, giảm từ 10 - 15% so với giá trước đây. Tuy nhiên, do không có người thuê nên hiện một số chủ nhà cho thuê dạng kios để bán nước cho nhân viên văn phòng là chính, giá thuê cũng 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Trong vai một người tìm thuê mặt bằng để bán điện thoại di động, phóng viên cũng liên hệ với một số chủ nhà thì nhận thấy, giá thuê mặt bằng được công khai vẫn còn có thể giảm thêm 20 -30% nữa, tùy theo khả năng thuyết phục của người thuê.

Ông Lâm, chủ một mặt bằng trên đoạn đường này cho thuê diện tích 3,5 x 8 mét với giá 50 triệu đồng, thế nhưng khi chúng tôi trả 35 triệu đồng thì cũng đã tiệm cận mức giá mà ông có thể chấp nhận. “Trước mắt cứ xem mặt bằng, đồng ý rồi sẽ có giá. Bên đó có thể trả được mức giá bao nhiêu cứ nói, nếu thấy được thì chúng tôi sẽ trao đổi lại. 35 triệu thì hơi thấp quá bởi chỗ này trước đây người ta mua bán nữ trang, hột xoàn đá quý. Nay con thuê để buôn bán nước, ăn uống cafe hoặc bán thời trang cũng được. Năm nay, có thể giảm được chút xíu cho con, còn các năm sau thì giá sẽ tăng lên một chút”.

Mặt bằng cho thuê để bảng nhiều tháng vẫn không có người thuê.

Tại khu vực phố Tây Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám vốn nổi tiếng với nhiều nhà hàng, bar, khách sạn trước đây thì nay nhiều điểm cũng đóng cửa, khách du lịch vắng đìu hiu, thậm chí cả vào ngày cuối tuần. Số còn lại hoạt động cầm chừng với vài ba khách ghé đến, đủ trả tiền điện, nước.

Ông Trần Nguyễn Hồng, một doanh nghiệp kinh doanh mảng lưu trú tại khu vực này cho hay, khách du lịch vắng từ sau Tết nên đơn vị đã thu hẹp hoạt động. 5/8 khách sạn thuộc phân khúc 2 sao được ông trả lại mặt bằng, dù thời hạn hợp đồng chưa hết và chấp nhận mất cọc chứ không trụ nổi nếu thuê mặt bằng và chờ dịch đi qua để kinh doanh trở lại. Hiện, văn phòng lữ hành là điểm duy nhất được đơn vị này duy trì dù giá thuê không giảm.

Theo ông Hồng, 1 tháng giãn cách xã hội do dịch Covid hồi tháng 4, chủ nhà chỉ đồng ý giảm 50% theo quy định của nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, các tháng còn lại phải trả đầy đủ tiền thuê hàng tháng chứ không có sự chia sẻ khó khăn, dù doanh số bán tour rất ít. Đề cập đến việc đi tìm mặt bằng giá tốt để thuê, ông Hồng cho hay chi phí di dời sang chỗ mới là phải sữa chữa nội thất, tính ra nó cũng vậy. Cơ sở của ông vừa sửa chữa xong tốn cũng khá nhiều cho nên di dời cũng không phải là giải pháp tốt và vị trí mới chưa chắc đã phù hợp cho nên công ty chưa có phương án di dời. “

Chúng tôi thấy cũng có nhiều mặt bằng rẻ hơn nhưng nói chung nó vướng nhiều vấn đề lắm. Được mấy tháng hỗ trợ thì cũng không đáng bao nhiêu tiền” ông Hồng nói.

Theo kết quả khảo sát của các công ty chuyên nghiên cứu về bất động sản cho thuê ở Việt Nam, hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe sắc đẹp đang phải vật lộn để duy trì diện tích thuê khi người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho nhóm hàng và dịch vụ này, trong khi đó, mảng bán lẻ thực phẩm và đồ uống ở các trung tâm thương mại ở TPHCM có nhu cầu thuê tốt hơn trong quý 2 vừa qua.

Với mặt bằng văn phòng cho thuê, xu hướng chung là các doanh nghiệp dịch vụ sẽ chuyển mặt bằng từ quận 1 sang 2, quận 4 hoặc quận 7, quận 10… các khu vực ở ven trung tâm Thành phố để có giá thuê rẻ hơn. Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Bính, quận 10 cho hay, mặt bằng có diện tích 50 mét vuông của gia đình ông cho thuê ở trục đường Tô Hiến Thành hơn 4 tháng qua vẫn chưa có khách thuê, dù giá đã giảm giá thuê hơn 20%.

Lúc trước, nhà anh có cho một công ty đặt văn phòng chuyên về xuất nhập khẩu và vật liệu xây dựng thuê, mùa dịch này người ta nghỉ chứ không trụ nổi. Khu nhà anh có thuận lợi là khu này có nhiều công ty thuê tại đây, vị trí khá yên tĩnh, an ninh. “Hồi nào giờ em cho thuê căn này với tổng diện tích gần 50 mét vuông, với giá cho thuê là 10 triệu. Mùa dịch này em cho thuê còn 8 triệu để hỗ trợ người thuê. Mặt bằng này phù hợp với công ty quy mô nhỏ, ít nhân viên thì được”. anh Bính nói.

Theo khảo sát chung, hiện nay, giá cho thuê mặt bằng ở khu vực trung tâm thành phố dao động quanh mốc 80USD/m2/tháng, trong khi đó, mức giá khoảng 39USD/m2/tháng đối với các khu vực rìa trung tâm TPHCM.

Bà Nguyễn Thị Thủy Nguyên, đại diện Khối cho thuê Văn phòng, Tập đoàn CBRE chuyên nghiên cứu bất động sản lớn trên thế giới cho hay, từ đầu năm đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động thuê mướn văn phòng giảm đi rõ rệt, đặc biệt là các dự án thuộc các công ty, tập đoàn đa quốc gia.

Những giao dịch lớn trước đó được khởi động trong vòng 1-2 năm đều bị dừng lại do lệnh giãn cách xã hội và hạn chế du lịch. Với sự bùng phát của dịch Covid-19 trong quý 2 đã và đang còn tiếp tục ảnh hưởng sâu và rộng đến thị trường thuê văn phòng.

Bà Nguyên cho biết số lượng nhu cầu thuê đã giảm 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng mặt bằng không nhiều hoặc tạm ngưng, việc tạm ngưng này có thể lùi sang tới 1-2 năm sau. Chính điều này dẫn đến các mặt bằng trống mới sẽ tăng nhiều, đặc biệt là khu trung tâm. Ngoài ra, một số lượng đáng kể khách thuê đang và sẽ xem xét trả lại mặt bằng một phần, toàn phần hoặc dời địa điểm sang các quận ngoài trung tâm như quận 2, 7 khi mà giá thuê mặt bằng làm văn phòng ở khu vực này khá hấp dẫn.

Chúng tôi dự kiến, nguồn cung văn phòng cho thuê mới trong thời gian tới ở các quận 2, 7, từ nay đến cuối năm sẽ tăng thêm khoảng 100 ngàn mét vuông. Với sự dịch chuyển này, tỷ lệ mặt bằng trống sẽ gia tăng ở phân khúc văn phòng khu vực hạng A và B ở trung tâm thành phố kéo dài hết nửa cuối năm nay”, bà Nguyên đánh giá.

Một khu cao ốc ở quận 8. Đây là nơi Tập đoàn CBRE dự đoán sẽ cùng với các quận 2, 7, 9, diện tích cho thuê mặt bằng nở rộ do nguồn cung tăng.

Cũng theo CBRE, thị trường văn phòng cho thuê ở TPHCM từ nay đến quý 2 năm sau, mặt bằng trống sẽ duy trì khoảng 10 -12%, tăng gấp đôi so với năm 2019. Khu vực ngoài trung tâm, TPHCM sẽ đón nhận một lượng đáng kể nguồn cung văn phòng chất lượng cao, tập trung chủ yếu ở các quận 2, 4, 7, Bình Thạnh với giá thuê mặt bằng thấp hơn khoảng 30 - 40%. Điều đó đòi hỏi các chủ nhà ở khu vực Trung tâm Thành phố phải có chính sách hỗ trợ tốt nhất cho người thuê nếu muốn giữ chân khách hàng.

Đơn vị này cũng chỉ ra rằng, các nhóm ngành có mức tăng trưởng tốt trong giai đoạn dịch Covid-19 như bảo hiểm, ngân hàng, thương mại điện tử, kho vận… nếu tận dụng tốt cơ hội nguồn cung văn phòng đang dồi dào, phong phú như hiện nay sẽ mở rộng và dời văn phòng. 

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch Covid còn tiếp tục tác động mà chưa hề có dự đoán lúc nào sẽ kết thúc. Trong khi đó, 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam mới chỉ bị tác động trực tiếp và bị suy giảm ở lĩnh vực dịch vụ - du lịch, nhưng đến quý 3, tác động của nó đã lan ra các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành nghề khác từ đó làm cho sức thuê văn phòng, shop - mặt bằng kinh doanh cũng như thu nhập của giới có tiền dự kiến đầu tư bất động sản sẽ co hẹp lại. Nhu cầu bất động sản trong giai đoạn hiện nay đang bị chững lại, thậm chí suy giảm.

Nhà đầu tư có nhu cầu vẫn chần chừ, chưa dám xuống tiền bởi vì họ lo lắng cho thu nhập cũng như khó khăn trước mắt”, ông Hiển nói.

Rõ ràng, trong bối cảnh này, ngoài một số ít nhóm ngành có tiềm năng phát triển, còn lại phần lớn các doanh nghiệp duy trì được mặt bằng kinh doanh đã là sự cố gắng rất lớn. 

Ngành Công Thương lên kế hoạch bảo vệ môi trường 2020-2025 - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 1375/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025.

                                                                                                     Hữu Nghị