Nhanh chóng chuyển kênh bán hàng, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng trong mùa dịch Covid-19

(VOH) - Việt Nam có cơ hội lớn trong tương lai về phát triển các hoạt động kinh doanh và dịch vụ trực tuyến.

Đã đến lúc các doanh nghiệp cần thay đổi xu hướng kinh doanh bằng cách tận dụng kênh bán hàng trực tuyến online song song với kênh truyền thống. Qua đó, nắm bắt thị hiếu của khách hàng để có một chiến lược đúng đắn, bài bản, dài hạn và phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay. Đây là ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp tại tọa đàm trực tuyến “Cơ hội đột phá hệ thống phân phối từ COVID-19” sáng 15/5.

Kênh phân phối của PNJ trước đây luôn cần có sự trải nghiệm thực tế của khách hàng nên kênh truyền thống đóng vai trò chủ yếu. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, vào ngày thần tài, mọi người ngại đến nơi đông người nên buộc doanh nghiệp này đánh giá lại phương thức kinh doanh, thêm vào hình thức kinh doanh online trực tuyến song song với kênh truyền thống. PNJ đã chuẩn bị cho kênh online trong dịp mua sắm Ngày lễ Tình nhân (14/2), Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), nhờ đó, kênh online của PNJ đã tăng trưởng nhanh.

Nhận thấy xu hướng kinh doanh này đang ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn, doanh nghiệp này đã bổ sung thêm trung tâm xử lý đơn hàng trực tuyến tại các khu vực khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), khó khăn là làm sao giải quyết được sự cạnh tranh về nguồn lực, sự hài hòa giữa kênh online và kênh truyền thống. Hiện kênh truyền thống đã có hệ thống phủ khắp cả nước với 350 cửa hàng, vì vậy doanh nghiệp này phải kết hợp giữa các kênh phân phối để tối ưu hóa nguồn lực.

“Trước đây tôi dự báo tăng trưởng khách hàng mỗi năm tăng trưởng khoảng 200%, tuy nhiên chỉ trong vòng 2 tháng, tăng trưởng lên gấp 4. Do đó khách hàng chịu sức ép của đại dịch, họ thay đổi hành vi rất nhanh mà nếu mình không chuẩn bị sẵn thì không “hứng” được sự thay đổi này”- ông Lê Trí Thông cho biết thêm.

Doanh nghiệp, online marketing

Các khách mời tham gia Tọa đàm trực tuyến “Cơ hội đột phá hệ thống phân phối từ Covid-19”.

Tại sàn giao dịch Tiki, kênh bán hàng trực tuyến này đã có sự thay đổi về cấu trúc ngành hàng trong và sau mùa dịch, kéo theo sự thay đổi hành vi người tiêu dùng. Đây không phải là sự thay đổi ngắn hạn. Qua ghi nhận, bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó Tổng giám đốc quản lý Sàn giao dịch thương mại Tiki đánh giá, thời gian khách hàng ở lại trên trang online tăng 20% so với thời điểm trước dịch bệnh và hiện nay tình trạng này vẫn được duy trì. Nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách hàng trên trang cũng nhiều hơn, các hành vi ấy đã dần hình thành như thói quen nơi người tiêu dùng. Bà Linh cho biết, từ đợt giãn cách xã hội đến nay, hàng tuần khi Tiki đánh giá lại tình hình, qua đó thấy rằng, kênh trực tuyến online nằm trong top 3 mối quan tâm của các đối tác.

Bà Phan Bích Tâm, Giám đốc quốc gia của Hiệp hội Mobile Marketing phân tích, người tiêu dùng ngày càng mua sắm online nhiều hơn, đặc biệt các mặt hàng nhu yếu phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe... Việt Nam có cơ hội lớn trong tương lai về phát triển các hoạt động kinh doanh và dịch vụ trực tuyến. Có thể trong tương lai còn xuất hiện các dịch vụ tư vấn online nữa. Theo bà Trâm, doanh nghiệp sẽ chịu áp lực về tài chính và hàng hóa nên cần có lộ trình chuẩn bị. Đơn cử, PNJ đã có sự chuẩn bị và thành công, doanh nghiệp nào đang có sẵn kênh truyền thống, có một lượng khách hàng ổn định thì nên sẵn sàng cho sự chuyển đổi.

“Khó khăn lớn nhất tại thời điểm COVID-19 này thì một doanh nghiệp phải chịu đựng những áp lực khác nhau, không chỉ áp lực về tài chính, hàng hóa, con người… Như vậy để xây dựng một kênh phân phối mới chắc chắn doanh nghiệp cần một lộ trình”- bà Phan Bích Tâm nói.

Giá thép xây dựng hôm nay 15/5/2020: Giá thép và quặng sắt tăng mạnh khi nhu cầu phục hồi: Giá thép và quặng sắt ngày 15/5 đều tăng mạnh khi nhu cầu phục hồi sau đợt bùng phát COVID-19 trong quí đầu tiên.

 

Thị trường chứng khoán 15/5/2020: Diễn biến cân bằng: Phiên giao dịch chiều 15/5, thị trường diễn ra với áp lực bán gia tăng trên toàn thị trường.