Ninh Bình: Phát triển du lịch không thể theo kiểu “chụp giật”

(VOH) - Du lịch tâm linh tại Ninh Bình chưa có chiều sâu và còn nhiều hình ảnh phản cảm.

Sáng 8/9, Sở Du lịch Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị quảng bá và xúc tiến du lịch của tỉnh này tại thị trường trọng điểm TPHCM.

Hơn 120 doanh lữ hành trong nước và quốc tế tham dự và đóng góp ý kiến để lãnh đạo ngành du lịch Ninh Bình xem xét, thay đổi nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các công ty du lịch đưa khách đến với cùng đất Di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận. 

“Dễ dãi” quá với du khách

Ninh Bình có nhiều tài nguyên du lịch để thu hút du khách, giao thông từ Hà Nội đến cũng đã hoàn thiện hơn so với trước đây… Tuy nhiên, các đại biểu, chỉ ra rằng, còn rất nhiều tồn tại mà ngành du lịch Ninh Bình phải thay đổi. 

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt nêu điển hình: giá trị di sản văn hóa Tràng An - Ninh Bình là yếu tố riêng cuốn hút du khách nhưng chiều sâu giá trị văn hóa ấy chưa được quản lý và khai thác đúng mức; việc đầu tư phát triển du lịch còn lệch hướng, chỉ chú trọng đến Tràng An, Bái Đính mà quên đi những điểm đến hấp dẫn khác như Thung Nham, Vườn quốc gia Cúc Phương… 

Di sản văn hóa Tràng An - Ninh Bình là yếu tố riêng cuốn hút du khách.

Thêm vào đó, công tác quản lý du khách ở điểm đến chưa được chú trọng, tình trạng ăn mặc phản cảm làm mất đi mỹ quan ở những chốn du lịch tâm linh như chùa chiền và những nơi thờ tự. 

“Du lịch tâm linh mà như Bái Đính thì nên đi cho biết thôi, còn thực ra là không “cảm” được. Khách vô chùa còn mặc quần xà lỏn, trong khi đó, ở chốn tâm linh thì cần phải có trang phục nghiêm trang” – ông Mỹ gay gắt. 

Theo ông Mỹ, ở Quảng Bình, nếu như vô hang Tám cô mà mặc quần short thì địa phương yêu cầu phải mặc váy cho lịch sự mới được vào, trong khi ở Ninh Bình khách đến cứ tự nhiên mặc váy ngắn. 

“Tôi cũng hơi buồn vì vô trong chùa Bái Đính cổ, tất cả những bức tượng cổ xưa đã được thay bằng tượng mới, trong khi đó, chúng tôi thì cần những pho tượng cổ chứ không cần những gì lòe loẹt bên ngoài. Chúng tôi là những du khách có tầng văn hóa cao hơn cho nên cần những cái gì chính xác” – ông Mỹ chia sẻ.

Chưa quản lý được giá vé?!

Ninh Bình muốn trở thành một địa phương đột phá trong phát triển du lịch cần phải làm tốt công tác quản lý giá vé tham quan.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc tăng giá vé tham quan ở Ninh Bình hiện nay đang bị thả nổi. Xã hội hóa trong thu hút đầu tư của ngành du lịch nhưng phải đặt dưới sự quản lý và chi phối của nhà nước, vì nếu không tư nhân sẽ tăng phí vô tội vạ, không có lộ trình và kết quả sau cùng là doanh nghiệp lữ hành sẽ gánh chịu những tổn thất. 

Bà Hồng Nga, đại diện Công ty Du lịch Phoenix Voyages, chuyên thị trường khách Pháp và châu Mỹ La Tinh cho biết, đơn vị đã phải trả giá cho sự tăng giá vô tội vạ của các điểm tham quan ở Ninh Bình.

Vé tham quan có ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là nguồn khách inbound. Thông thường công ty lữ hành làm tour rất sớm, thường là trước cả năm hoặc ít nhất là 6 tháng. Nhưng mới đây, vé thăm quan Tràng An và Thung Năng đã tăng lên rất nhiều mà công ty hoàn toàn không biết. 

Công ty Du lịch Phoenix Voyages có tất cả là 988 khách bị ảnh hưởng trong việc tăng vé tham quan mà không thể thu tiền từ du khách vì họ đã đặt từ trước đó rất lâu, bà Nga cho biết. 

“Chúng tôi cũng không thể yêu cầu Hãng quản lý thêm tiền ở khoản này. Vì thế, tôi đề nghị ngành du lịch phải có công văn thông báo về lộ trình tăng giá vé để các doanh nghiệp chuẩn bị sớm” – bà Nga đề nghị.

Người dân chưa có ý thức làm du lịch

Ngoài ra, vai trò của người quản lý du lịch Ninh Bình, muốn thành công cũng phải kể đến đóng góp của cộng đồng người dân địa phương.

Các đại biểu cho rằng, người dân hiện chưa có ý thức làm du lịch, văn hóa ứng xử với du khách của người dân địa phương cũng là một vấn đề đáng bàn. 

Không chỉ có tình trạng chèo kéo, dịch vụ chèo đò đòi tiền “tip” làm phiền lòng du khách mà những lời nói không hay hành động thiếu văn hóa vẫn diễn ra ở các điểm du lịch, gây tâm trạng bất an cho du khách. 

Nhà báo Dương Thủy nêu thực tế: “Ở Ninh Bình, tôi thấy có một cảm giác là “cái gì cũng ngon, cái gì cũng hay” nhưng thật ra sự tôn trọng và chia sẻ với du khách giữa hai vùng miền dường như… không có. Điều đó đã gây ức chế và thật sự rất đáng buồn. Ai cũng mơ đến Ninh Bình một lần nhưng ở đó đẹp thôi chưa đủ mà còn là con người, là nhân lực, là tình người…”.

Thu hút đầu tư nửa vời

Đề cập đến việc thu hút đầu tư của ngành du lịch Ninh Bình, ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Saigontourist chia sẻ rằng: các địa phương trong tỉnh dường như chưa thực sự mặn mà trong việc thu hút nhà đầu tư. 

Thực tế đó, đòi hỏi tỉnh phải có giải pháp mạnh tay đối với các doanh nghiệp “xí đất, giữ phần” nhưng không triển khai dự án. Trường hợp quá hạn quy hoạch, phải kiên quyết loại bỏ để tạo môi trường lành mạnh trong thu hút đầu tư. Đặc biệt, trong một thời gian dài, du lịch Ninh Bình dường như cũng “bỏ quên” vai trò của truyền thông trong việc kết nối, quảng bá điểm đến ở địa phương.

Ông Trần Hùng Việt cho hay: “Tôi nghĩ rằng trong hội nghị xúc tiến này chúng ta cũng cần phải dựa vào truyền thông rất nhiều. Bây giờ, e-marketing cũng phát triển. Chỉ cần có những video clip hay, nổi bật thì chúng ta có thể đẩy lên YouTube - khắc người ta sẽ biết đến nhiều hơn và sẽ đến với Ninh Bình ngày một đông hơn”.

Tại hội nghị này, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho rằng, để khắc phục những nhược điểm mà các đại biểu đặt ra, Sở Du lịch cũng như UBND tỉnh Ninh Bình phải thực sự cầu thị, tiếp thu và lắng nghe chia sẻ của các đại biểu. 

Đối với những trường hợp kinh doanh du lịch thiếu đạo đức, những cá nhân làm ăn chụp giật, thiếu văn hóa, chính báo chí cũng phải góp phần thanh lọc để môi trường du lịch trở nên tốt đẹp hơn. 

Ông Bình nhấn mạnh, đối với những trường hợp mất lịch sự, vô văn hóa, chúng ta cần phải phản ánh ngay. Chúng tôi cũng đề nghị phải phản ánh bằng văn bản hoặc là đăng lên báo với tên, tuổi, địa danh cụ thể. Chúng ta không nề hà mà phải “chỉ mặt đặt tên” đối với những trường hợp làm xấu ngành du lịch để cơ quan chức năng xử lý. 

Theo ông Bình thì không thể không tham gia vào quá trình xử lý những vấn đề vô đạo đức trong kinh doanh. Cần phải tận dụng các công cụ hiện có để phản ánh và dẹp bớt những tình trạng lộn xộn; những ai không đủ điều kiện thì dứt khoát phải loại ra khỏi ngành du lịch.

Trong 2 năm trở lại đây, du lịch là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn được Đảng và Nhà nước quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, để du lịch thực sự trở thành thế mạnh về kinh tế lại tùy thuộc vào chính quyền của mỗi địa phương. 

Ở Ninh Bình, những rào cản để phát triển du lịch cũng đã được các đơn vị du lịch chỉ rõ qua Hội nghị xúc tiến quảng bá đầu tư. Điều quan trọng là sau đó, các cấp, các ngành của địa phương có thực sự cầu thị, thay đổi để thanh lọc những tồn tại, vướng mắc đó để tạo đà cho vùng đất Tràng An phát triển trong tương lai.

18 giải thưởng Đồng hành, 21 giải thưởng thương hiệu đã được trao cho Bộ Du lịch, Cơ quan quản lý, xúc tiến và hợp tác Du lịch các quốc gia, vùng lãnh thổ: Ấn Độ, Lào, Campuchia, Indonesia, Đài Loan và các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động của Hội chợ du lịch Quốc tế TPHCM 2017 vừa diễn ra sáng 8/9.

Giải thưởng với mong muốn tôn vinh các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các hãng hàng không quốc tế, các đơn vị vận chuyển đã đồng hành và có đóng góp tích cực cho Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM trong thời gian qua.

Dịp này, Hãng hàng không Vietjetair vinh dự được nhận giải thưởng Hãng hàng không giá rẻ được yêu thích nhất.

Ban tổ chức cũng trao giải “Gian hàng thiết kế ấn tượng nhất” cho các đơn vị: Sở VHTTDL Kon Tum, Gia Lai, Trung Tâm xúc tiến Du lịch Đắk Lắk, Hãng hàng không Earoflot Russian Airlines, Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản, Bộ Du lịch Indonesia và Cục Du lịch Đài Loan - Trung Quốc.