Nông sản Việt Nam thay đổi để thích ứng với yêu cầu thị trường Trung Quốc

(VOH) - Sáng 27/10, diễn ra ‘‘Hội thảo quốc tế Trao đổi thông tin các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam-Trung Quốc”.

Hoạt động do Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của các cơ quan địa phương, hiệp hội ngành hàng cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường lớn với khả năng tiêu thụ 2 triệu tấn thực phẩm/ngày. Quốc gia này hiện cũng là thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn thứ 2 của Việt Nam.

Theo WTO, hàng năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng hơn 160 tỷ đô la Mỹ các mặt hàng nông sản, trong đó rau quả chiếm khoảng 9-10 tỷ đô la Mỹ. Do đó, tiềm năng xuất khẩu nông sản sang thị trường này còn khá lớn.

Nông sản, Việt Nam, ngày 27 tháng 10 năm 2020
 

 Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc  đạt 10,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 0,3% so với cùng kỳ 2018, chiếm 24% tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến tháng 9 năm 2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam- Trung Quốc đạt 9,8 tỷ đô la Mỹ giảm 8,6% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 1,4 tỷ đô la Mỹ, giảm gần 26%.

Thực tế, vài năm gần đây, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của nông sản Việt Nam sang thị trường này có xu hướng giảm do Trung Quốc siết chặt các quy định về an toàn. Trong đó, từ 2018 Trung Quốc yêu cầu nông sản phải truy suất được nguồn gốc, có mã số vùng trồng.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết những thay đổi cụ thể của thị trường Trung Quốc: "Trung Quốc những năm gần đây bắt đầu hướng đến kiểm soát chặt chẽ hàng hoá qua biên giới, đặc biệt là hướng đến xuất khẩu nhập khẩu theo con đường chính ngạch và kiểm soát rất chặt xuất khẩu tiểu ngạch. Thứ hai, Trung Quốc yêu cầu đàm phán mở cửa thị trường với từng loại sản phẩm. Nghị đinh thư măng cụt mới ký kết sẽ là nghị định thư hình mẫu cho các ký kết sau này."

Mặc dù 70% rau quả của Việt Nam được xuất sang thị trường Trung Quốc nhưng hiện chỉ có 9 loại trái cây tươi được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc bao gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt. Diện tích cây ăn trái trong nước tăng nhanh, hiện cả nước  có 1 triệu ha, với sản lượng 10 triệu tấn mỗi năm. Diện tích rau cũng tăng nhanh khoảng 970 ngàn ha.

Khảo sát tại 4 tỉnh  có diện tích cây ăn trái lớn (Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long) cho thấy tỷ lệ đạt chứng nhận Vietgap khá thấp. Đồng Tháp là địa phương cao nhất cũng chỉ đạt tỷ lệ 2,6%. Ông La Khôn Lâm, Giám đốc Bộ phận Giám định 2, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giám định Trung Quốc tại Việt Nam cho rằng: "Quan niệm, ý thức của nhà sản xuất, nhà xuất khẩu phải thay đổi. Bởi vì, thị trường Trung Quốc mấy năm nay phát triển rất nhanh. Đối với an toan thực phẩm, kiểm dịch, họ yêu cầu cao hơn về truy xuất nguồn gốc. Cả nhà nước và người tiêu dùng Trung Quốc đều có nhu cầu rõ ràng về hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ. Phải nắm thông tin này để hàng hoá phù hợp với quy trình về truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc." 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, khẳng định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường  theo thứ tự ưu tiên: bưởi, chanh dây, bơ, mảng cầu ta, mận, dừa, thảo quả và thơm, cũng như ký kết Nghị định thư mở cửa thị trường thạch đen, khoai lang.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương biên giới Trung Quốc nắm bắt kịp thời các khó khăn vường mắc trong xuất khẩu; phổ biến thông tin về xuất khẩu chính ngạch; xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Toản cho biết thêm: "Đây là cuộc cách mạng lớn, đòi hỏi sự kiên trì cũng như phải liên tục bổ sung các sản phẩm rau quả Việt Nam nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung khi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được đảm bảo về mặt truy xuất nguồn gốc. Đó cũng là phương thức chúng ta đang triển khai ở các thị trường khác."