Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam: Từ cây trồng đến sản xuất

(VOH) - Hôm nay 1/10, diễn ra Tọa đàm “Hành trình 10 năm phát triển cà phê bền vững của chương trình Nescafé Plan”.

Chương trình đã tác động tích cực đến sự phát triển bền vững cho ngành cà phê Việt Nam, nâng cao đời sống nông dân, đóng góp vào phát triển tăng cường liên kết chuỗi, gia tăng giá trị và chất lượng cho hạt cà phê Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cà phê Robusta thế giới.

Triển khai đến nay đã ngót nghét 10 năm, chương trình đã phân phối trên 46 triệu cây giống kháng bệnh năng suất cao tới người nông dân; Tái canh 46.000 hecta diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên thông qua hoạt động phân phát cây giống; Hỗ trợ và xây dựng công cụ nhật ký nông hộ dựa trên công nghệ số nhằm kết nối giữa nông dân và các chuyên gia giúp nông dân quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, thay thế việc quản lý bằng giấy tờ.

nông dân trồng cà phê
Một trong những mục tiêu của dự án Nescafé Plan là nâng cao đời sống của người nông dân

Chương trình cũng tập huấn và đào tạo kỹ thuật canh tác bền vững hơn 260.000 lượt nông dân với sự tham gia của các kỹ sư nông nghiệp. Đã có hơn 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê 4C, tiết kiệm 40% lượng nước tưới, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, tăng trên 30% thu nhập cho người nông dân.

Hàng năm, chương trình thu mua 20 - 25% sản lượng cà phê của Việt Nam để chế biến sâu cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu với tổng giá trị trung bình đạt 600-700 triệu đô la Mỹ, duy trì vị trí nhà thu mua cà phê lớn nhất Việt Nam. Các sản phẩm đều xuất khẩu đến 25 thị trường nước ngoài.

Phạm Phú Ngọc
Ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng nhóm Hỗ trợ Nông nghiệp Nestlé Việt Nam giới thiệu ứng dụng Nhật ký nông hộ (Digital Farmer Field Book – FFB) dựa trên công nghệ số FARMS

Ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng đại diện Nestlé tại Tây Nguyên cho hay, những người thực hiện không triển khai mô hình nhưng dựa nhiều vào mô hình nông dân đã làm tốt, biến thành mô hình mẫu, giúp nông dân tập huấn và làm ngay tại vườn. Tỉ lệ nông dân áp dụng sau tập huấn đạt trên 80%, từ đó nông dân cũng đã tiếp cận với khoa học quốc tế.

“Để quản lý được hoạt động, chúng tôi đã giới thiệu công cụ nhật ký nông hộ trên thiết bị di động. Với nhật ký nông hộ, khi nông dân làm tất cả các hoạt động và nhập thông tin trên thiết bị di động thì chúng tôi ngay tức khắc nhận được thông tin. Đặc biệt là những thông tin nhập không biết ở khía cạnh nông nghiệp là tốt hay xấu, trên đó có chức năng cảnh báo lên cho cán bộ nông nghiệp và khi đó chúng tôi sẽ tập trung giúp nông dân có thể triển khai ngay xây dựng hành động khắc phục. Với cách làm này, nông dân đã trang bị kiến thức về kinh tế nông hộ, có thể tính toán được đầu tư, giá thành của 1 kg cà phê, và có thể quyết định được có bán hay không” - ông Phạm Phú Ngọc nói.

Ứng dụng nhật ký nông hộ trên thiết bị di động để quản lý chi phí đầu tư vườn cà phê, canh tác, theo dõi tình trạng cây trồng, ông Hoàng Văn Son, ở thôn 13, xã Ea Klur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết rất tiện lợi và hiệu quả.

“Hiệu quả thứ nhất là giúp giảm bớt giấy tờ, khi ra vườn cây, mua sắm các thiết bị cho công tác sản xuất. Khi có những vướng mắc về vấn đề sản xuất, chăm sóc cà phê thì cán bộ nông nghiệp của chương trình đã kịp thời hỗ trợ giúp đỡ nhanh chóng kịp thời. Ngoài ra còn kịp thời nắm bắt được những thông tin về khoa học kỹ thuật, công tác sản xuất và chăm sóc cà phê.

Quan trọng hơn là khi ghi nhật ký nông hộ trên điện thoại thông minh, tôi đã nắm bắt được toàn bộ năng suất, sản lượng giá thành, giúp đánh giá được chi phí và hiệu quả sản xuất trong năm”, ông Hoàng Văn Son chia sẻ.

Nói thêm về quy trình sản xuất hạt cà phê sạch và bền vững, ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Nhà máy Nestlé Trị An cho biết, trong hoạt động sản xuất bền vững, tại nhà máy, tham vọng của doanh nghiệp đến 2030 là giảm thiểu, không tạo ra tác động xấu đến môi trường, tập trung vào hành động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học tài nguyên thiên nhiên.

Hàng năm, nhà máy không ngừng cải tiến, giảm thiểu nguồn nước sử dụng trên từng tấn sản phẩm tạo ra. Đặc biệt nhà máy đã thực hiện tốt việc thu gom, xử lý và tái sử dụng lại 65% nước thải, giảm thiểu hơn 112.000 m khối nước hàng năm. Chất lượng nước thải của nhà máy đạt quy chuẩn nước ăn uống theo quy chuẩn Việt Nam.

Xem thêm: