Phục hồi xanh sau COVID-19 và cơ hội của Việt Nam

(VOH) - Đây là chủ đề của buổi tọa Đàm do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức vào chiều tối 23/9/2020.

Các diễn giả đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau gồm khối tư nhân, các tổ chức nghiên cứu, đã thảo luận về những thuận lợi và khó khăn trong bối cảnh sau COVID-19 cũng như cách thức để ứng phó và chung tay vào con đường phục hồi xanh sắp tới của Việt Nam.

Tham dự qua hình thức trực tuyến, ông Ken O’Flaherty, Đại sứ COP26 - Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc-  của Chính phủ Anh cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nam Á, chia sẻ: “Những quyết định mà các quốc gia đưa ra trong quá trình phục hồi sau COVID-19 sẽ đặt nền tảng cho tăng trưởng lành mạnh và bền vững, hoặc sẽ tiếp tục duy trì nền kinh tế phát thải cao và gây ô nhiễm trong nhiều thập kỷ tới. Các chính phủ có một cơ hội duy nhất để ưu tiên năng lượng và công nghệ xanh khi họ lập kế hoạch phục hồi của mình. Nền kinh tế xanh tạo ra tăng trưởng bền vững và thêm nhiều việc làm, đồng thời giải quyết những thách thức cấp bách liên quan về sức khỏe cộng đồng, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Và Việt Nam đang là một trong những quốc gia có sẵn những lợi thế để hành động sau COVID-19. Với tư cách là Chủ tịch của Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu COP26, Vương quốc Anh duy trì cam kết hợp tác sâu rộng với Việt Nam để nâng cao tham vọng trong việc hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thúc đẩy phục hồi xanh tại quốc gia.”

Ông Ken OFlaherty - Đại sứ COP26 của Chính phủ Anh khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nam Á.

Bà  Ngô Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) nhấn mạnh: “Các gói tài chính của Chính phủ cần gắn liền với các giải pháp đổi mới công nghệ nhằm chuyển đổi nhiên liệu trong quá trình sản xuất để đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp hướng đến phát thải carbon thấp. Một khung pháp lý đặc thù cũng là một yếu tố cần thiết nhằm khuyến khích đầu tư xanh, giảm thiểu phát thải carbon trong phát triển kinh tế hậu COVID”.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cho rằng: “ Các cơ quan chức năng Việt Nam đã hành động quyết liệt và nhanh chóng khi đại dịch bùng phát vào đầu năm. Nhờ thế, Việt Nam tiếp tục có đà tăng trưởng GDP tích cực mặc dù tốc độ có chậm hơn so với các năm trước. Cuộc khủng hoảng COVID tác động đến các công ty ở nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của họ. Những thách thức vẫn còn đó, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, khách sạn và một số nhà xuất khẩu nhất định do các thị trường xuất khẩu chính bị sụt giảm đáng kể vì nhu cầu vì lệnh phong tỏa và tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lạc quan về tương lai.

Với việc EVFTA được phê chuẩn gần đây, chúng tôi tiếp tục nhận thấy dòng vốn FDI tích cực vào Việt Nam khi chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển hướng, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng được dự báo sẽ tiếp tục tăng và thương hiệu Việt Nam đã được nâng cao trong suốt cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi tin rằng vào năm 2021, chúng ta sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam, việc đi lại và ngành du lịch đang dần hồi phục lại đúng lúc cũng sẽ tiếp thêm động lực kinh tế cho Việt Nam”.

 Xem thêm: