Quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản giúp cung cấp thực phẩm sạch cho người dân

(VOH) – Hội nghị sơ kết công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa tỉnh Lâm Đồng, Long An TPHCM (2017 – 2019) diễn ra sáng 12/10.

TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.

Thông qua việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, TPHCM đã thiết lập hệ thống quản lý giám sát sản phẩm xuyên suốt từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng, nhằm mục tiêu cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân TP.

Ban Quản lý Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã cấp 279 Giấy chứng nhận cho 138 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi thuộc địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận, Đăk Nông với tổng sản lượng hơn 119.000 tấn/năm.

Quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản giúp cung cấp thực phẩm sạch cho người dân

Quang cảnh hội nghị.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đánh giá: "Với các chuỗi thực phẩm tham gia, đã có sự tham gia tăng về số lượng. Tức là ngày mà chúng tôi ký kết hợp tác.

Ví dụ như đối với Lâm Đồng, con số chuỗi thực phẩm an toàn mới chỉ đạt khoảng 4 thì bây giờ đã là 12. Đối với tỉnh Long An cũng vậy, con số đạt chuỗi thực phẩm an toàn đã lên tới 9, bao phủ hết từ rau, củ, quả cho đến thịt heo, bò, gà.

Tôi thấy vấn đề quan trọng nhất không phải tăng về số lượng mà quan trọng nhất là duy trì về mặt chất lượng. Mặc dù là cũng còn rất nhiều khó khăn, nhưng những thực phẩm mang danh là chuỗi thực phẩm an toàn đảm bảo được uy tín của mình và đang dần dần tăng được sản lượng, được người tiêu dùng tại TPHCM chấp nhận".

Về hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nông sản an toàn tiêu thụ tại TPHCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho hay đã hỗ trợ trên 35 hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình VietGap với sản lượng ước đạt trên 20.800 tấn. Hiện đã có hơn 26.400 hộ nông dân sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất sản phẩm an toàn.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã triển khai được 51/57 hợp đồng cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm cho các doanh nghiệp tại TPHCM.

Tuy nhiên, phần lớn các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap chỉ bán được khoảng 30% sản lượng tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, bếp ăn tập thể… còn lại phải bán cho thương lái để cung cấp cho chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, Bình Điền.

Bà Đinh Thị Phương Thanh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết thêm: "Có một điểm yếu hiện nay, mỗi một hợp tác xã chỉ sản xuất tối đa từ 1 đến 2 mặt hàng, nhưng một cửa hàng tiện ích thì không thể nào nhận 1 hoặc 2 mặt hàng được mà phải đa dạng hóa mặt hàng. Do vậy, điểm yếu là chúng ta thiếu liên kết lại với nhau để chúng ta cung cấp cho cửa hàng tiện ích nhiều mặt hàng được chứng nhận GAP và đây là việc khó thực hiện".

Đến nay, sản lượng tiêu thụ nông sản, đặc biệt là rau của tỉnh Lâm Đồng được tiêu thụ tại các siêu thị, chợ đầu mối và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống của TPHCM với tổng sản lượng đạt hơn 25.000 tấn/năm. Phấn đấu đến năm 2020, phần lớn các nông sản chủ lực của tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ trên địa bàn TPHCM được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Bà Nguyễn Thùy Quý Tú – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản, Thủy sản Lâm Đồng cho hay: "Theo giám sát thường xuyên lấy mẩu một cách ngẫu nhiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đối với rau củ quả thì chưa tới 1% mẫu rau không đạt điều kiện an toàn, còn 99% là đạt tiêu chuẩn chất lượng đề ra hiện nay. Riêng đối với chuỗi cung cấp cho thị trường TPHCM thì tỷ lệ không an toàn chỉ có 0,2%.

Do đó, hiệu quả của việc phối hợp giữa TPHCM và Lâm Đồng trong việc thực hiện các chuỗi an toàn thực phẩm này bước đầu có thể thấy những hiệu quả to lớn, không những đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch cho người dân thành phố mà còn đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất của Lâm Đồng".

Thời gian tới, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, các Chi cục chuyên ngành của các tỉnh khảo sát và lựa chọn các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng quy mô, yêu cầu của chuỗi để đưa vào chuỗi thực phẩm an toàn của thành phố.