Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của TPHCM là sản phẩm nào?

(VOH) - TPHCM có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, được nhiều người ưa chuộng.

Trong đó, có những thương hiệu quen thuộc như hoa mai Thủ Đức, khô cá dứa Cần Giờ, xoài cát Cần Giờ, bánh tráng Phú Hòa Đông... Các sản phẩm này đã góp phần làm phong phú thêm các mặt hàng nông nghiệp của thành phố cũng như giúp nông dân có thể ổn định cuộc sống.

Các sản phẩm nông nghiệp của thành phố rất đa dạng với nhiều chủng loại. Trong đó, nhắc đến các loại hoa, cây cảnh nổi tiếng của thành phố, mọi người đều biết đến làng mai Thủ Đức với những vườn mai rực rỡ sắc vàng khoe sắc mỗi dịp xuân về. Nổi bật là giống mai giảo Thủ Đức với đặc điểm hoa to, đẹp, nhiều cánh, lâu tàn, được nhiều người ưa thích và chọn mua. Những cây mai Thủ Đức vàng rực đã góp phần đưa danh tiếng làng mai đi xa, phục vụ thị trường thành phố cũng như các tỉnh.

Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nên diện tích trồng mai ngày càng giảm. Những vườn mai bạt ngàn sắc vàng không còn nhiều, cộng với diễn biến thời tiết thất thường, sức mua ngày càng giảm trong những năm qua… khiến nhiều người trồng mai gặp thiệt hại nên đã bỏ nghề. Mặc dù vậy, vẫn còn không ít người tâm huyết, gắn bó với cây mai, qua đó, góp phần giữ gìn danh tiếng của thương hiệu mai vàng Thủ Đức.

Làng Mai tại Thủ Đức – TPHCM

Làng Mai tại Thủ Đức – TPHCM. Ảnh: infonet

Điển hình là ông Mã Văn Phương, ở phường Hiệp Bình Chánh với hơn 30 năm kinh nghiệm trồng mai. Với sự nỗ lực, học hỏi không ngừng, ông đã kiên trì vượt qua khó khăn để tiếp tục duy trì vườn mai rộng khoảng 4.000m2, gồm 1.500 cây lớn nhỏ. Những năm sản xuất thuận lợi ông có thể kiếm được thu nhập hàng tỷ đồng/năm, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no. Tuy nhiên, bản thân ông cũng trải qua nhiều thăng trầm với nghề mới đạt được thành công như hôm nay. Dù gặp không ít khó khăn nhưng ông Mã Văn Phương bày tỏ mong muốn giữ gìn, phát triển thương hiệu làng mai Thủ Đức: “Tôi mong muốn có thương hiệu đây là làng mai Thủ Đức, ra thị trường mình đỡ lắm, khách không bị lầm lẫn. Ví dụ mình có chứng nhận đây là thương hiệu làng mai Thủ Đức thì mình có thông tin, người ta biết. Người ta giới thiệu mình. Có thương hiệu thì mình quảng bá dễ hơn. Phải có thương hiệu để nâng cao phần giao dịch, khách hàng tin tưởng thương hiệu đó, không bị lầm, người ta muốn mua mai đến nơi đó có thương hiệu nên không sợ lầm, nếu không có thương hiệu thì khách dễ lầm”.

Được coi là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất ở huyện Cần Giờ, khô cá dứa từ lâu đã được nhiều người biết đến và ưa thích. Đây cũng là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng được thành phố xác định để phát triển. Với vị ngon, béo, đậm đà, hấp dẫn, nhiều chất dinh dưỡng, khô cá dứa có nét khác biệt so với các loại khô khác, nhất là khô cá dứa được làm từ nguồn cá tự nhiên có thịt rất săn chắc, vị thơm ngon khó quên. Vì vậy, khô cá dứa Cần Giờ đã trở thành món đặc sản quen thuộc với du khách trong nước cũng như du khách nước ngoài. Hiện nay ở huyện Cần Giờ có nhiều cơ sở chế biến khô cá dứa, trong đó cửa hàng hải sản khô Loan với sản phẩm khô cá dứa Loan đã xây dựng được thương hiệu, được nhiều khách hàng tin tưởng do đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

khô cá dứa Cần Giờ

Phơi khô cá dứa. Ảnh: VNE

Bà Hồ Thị Lý, chủ cửa hàng cho biết để tạo ra sản phẩm khô cá dứa đạt chất lượng, bà phải nghiên cứu, nắm vững cách chế biến, ướp muối sao cho khô cá vừa ăn, không quá mặn nhưng cũng không quá nhạt vì có thể khiến sản phẩm mau hư. Nhất là phải đảm bảo trong quá trình chế biến, cá luôn tươi ngon. Ngoài ra, để sản phẩm bảo quản được lâu, bà còn mạnh dạn đầu tư máy đóng gói bán tự động, tủ đông lớn, và áp dụng phương pháp hút chân không. Bà Hồ Thị Lý cho biết thêm: “Bây giờ người ta phải hút chân không, để đông thì mới bảo quản được. Tại vì mình phải bảo quản con cá làm sao để ngon, đủ độ lạnh, thì sẽ không hư hàng. Thành ra khâu đó là quan trọng. Bây giờ khi mình phơi khô xong rồi, mình đem vô hút chân không, bỏ đông liền chứ không bỏ ngoài được, tại vì bỏ ngoài chỉ được 1 tiếng hoặc 1 ngày thôi. Chứ qua ngày thứ 2 là bắt đầu bị vàng liền do con cá dứa này đặc trưng là béo”.

Không chỉ nổi tiếng về hải sản, huyện Cần Giờ còn có một đặc sản quen thuộc thu hút sự quan tâm của nhiều người, chính là xoài cát Cần Giờ. Do được trồng trên vùng đất cát biển nên xoài cát Cần Giờ có mùi thơm đặc biệt, vị ngọt ngon, hấp dẫn, mang nét đặc trưng riêng so với xoài trồng ở các vùng khác. Vì vậy, sức tiêu thụ của xoài cát Cần Giờ đang ngày càng tăng lên, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng thành phố cũng như các tỉnh. Đây là động lực để huyện quyết tâm xây dựng và phát triển thương hiệu xoài cát Cần Giờ. Đặc biệt, trong thời gian qua, nhiều nông dân trồng xoài đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để áp dụng quy trình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị và chất lượng trái xoài cát Cần Giờ.

xoài cát Cần Giờ

Vườn xoài cát Cần Giờ. Ảnh: internet

Anh Trương Thành Đạm, nông dân xã Long Hòa đã có gần 20 năm gắn bó với cây xoài. Với diện tích vườn xoài hơn 8.000m2, nhờ chịu khó chăm sóc, anh có thể thu hoạch từ 5-6 tấn xoài/ha, góp phần giúp anh nâng cao thu nhập của gia đình. Không chỉ vậy, xoài cát Cần Giờ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP còn đảm bảo chất lượng sạch, an toàn, nên người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng sản phẩm: “Làm VietGAP chủ yếu cho trái xoài sạch, mình tuân thủ quy trình sản xuất theo VietGAP, là mình phải ghi chép hồ sơ phun thuốc, bón phân, bao trái mình ghi vô đó, nguồn gốc thuốc để khi người ta hỏi thì mình biết trả lời, chủ yếu làm cho trái xoài sạch cho người tiêu dùng yên tâm. Thì mình cũng mong muốn xây dựng thương hiệu xoài cát Cần Giờ ngày càng phát triển, giúp nâng cao giá trị của trái xoài, xoài bán được giá thì đời sống của mình cũng nâng lên”.

Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là định hướng của nền nông nghiệp thành phố. Đồng thời, mỗi huyện, mỗi xã cần phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp mang đậm nét đặc trưng của mỗi vùng miền và sản xuất theo đúng quy trình VietGAP. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm, thúc đẩy sức tiêu thụ của nông sản trên thị trường, cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.